Quan điểm trên vừa được Tiến sĩ Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và hiện là cố vấn cao cấp của cơ quan này chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị” diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Tiến sĩ Nguyễn Quang, Cố vấn cao cấp của  UN-Habitat.

Vị chuyên gia UN-Habitat nhận định, giống như ở các nước khác, các thành phố tại Việt Nam chính là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Hà Nội và TP.HCM cùng toàn bộ hệ thống hơn 880 đô thị lớn nhỏ đang là nơi thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm thông qua thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

“Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các cơ quan và chính quyền đô thị, thành phố phải cải thiện công tác quy hoạch và quản lý thành phố, xây dựng nguồn lực tài chính và nhân lực, và cung cấp hạ tầng một cách có hiệu quả”, ông Nguyễn Quang nói.

Trong chia sẻ tại hội thảo, chuyên gia UN-Habitat cũng nêu các khuyến nghị về phát triển đô thị, trong đó có việc thúc đẩy áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cách hiệu quả nhất để giải quyết những cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị là thúc đẩy áp dụng các giải pháp xanh, thông minh và đổi mới với công nghệ kỹ thuật cao và công nghệ kỹ thuật số.

Nền kinh tế xanh mang đến những cơ hội mới cho sự thịnh vượng chung. Nó sẽ không chỉ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững mà còn có thể tạo ra động lực cho việc làm và phát triển. 

Khẳng định UN-Habitat ủng hộ cách tiếp cận thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, vị chuyên gia cho hay, trong đó việc chuyển đổi kỹ thuật số đô thị vì lợi ích của tất cả mọi người, thúc đẩy tính bền vững, hòa nhập và thịnh vượng, đồng thời thực hiện quyền con người. Điều này cho phép các thành phố thông minh và các đối tác phát triển đóng góp sâu rộng vào lĩnh vực thường chỉ tập trung vào bản thân công nghệ. 

Mặt khác, chuyển đổi công nghệ số không loại bỏ nhu cầu lập quy hoạch, quản trị, quản lý tài chính và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có. Do đó, chuyên gia UN-Habitat cho rằng, Việt Nam cần xây dựng quy hoạch tổng thể tốt cho các thành phố thông minh trong tương lai để giải quyết các thách thức của đô thị hóa và tận dụng giá trị gia tăng của việc kết nối vốn văn hóa, xã hội và công nghệ.

Hơn thế, chuyên gia UN-Habitat cũng lưu ý, nhiều công nghệ thông minh có thể làm cho các thành phố trở nên hòa nhập hơn, an toàn, linh hoạt và bền vững, nhưng chúng nên được phổ biến rộng rãi hơn và có giá cả phải chăng hơn để có thể tiếp cận nhóm người nghèo, người dễ bị tổn thương. Chính quyền ở các cấp cần xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, giới học thuật và xã hội dân sự để thực hiện mục tiêu này.

Chia sẻ với VietNamNet từ góc nhìn của đơn vị đã có hơn 10 năm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các giải pháp đô thị thông minh, CEO Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ khẳng định, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể làm chủ, triển khai một cách hiệu quả các giải pháp đô thị thông minh, giao thông thông minh do vừa là đơn vị nắm vững về giải pháp công nghệ, vừa có thể vận dụng một cách sáng tạo vì thấu hiểu văn hóa và thói quen của người Việt Nam. 

Chẳng hạn như, với giải pháp thu phí tự động không dừng - ETC, doanh nghiệp công nghệ Việt đã chủ động xây dựng những phương thức giúp chống gian lận, trốn phí, vi phạm tải trọng mà thế giới ít áp dụng thông qua kết hợp giữa nhận diện định danh thẻ (ID) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện biển số phương tiện.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế giới thiệu mô hình đô thị thông minh của Huế 
Viettel giới thiệu giải pháp đô thị thông minh của Huế 

Hay giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông qua thích nghi, giúp người tham gia giao thông chủ động tìm đường đi phù hợp qua dữ liệu giao thông thời gian thực; thay vì điều khiển cứng chu kỳ đèn tín hiệu hoặc theo làn sóng xanh như các nước không phù hợp với đặc tính giao thông đan xen ô tô - xe máy như các đô thị Việt Nam.