{keywords}
Thiếu tướng Đoàn Minh Định, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel ký bản hợp tác chuyển đổi số. 

Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Viettel vừa tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp năm 2022 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung theo kế hoạch năm 2021, Tổng cục Kỹ thuật và Viettel đã đề xuất tiếp tục triển khai những nội dung phối hợp năm 2022 và các năm tiếp theo nhằm góp phần thực hiện tốt công tác kỹ thuật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, hai bên thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành kỹ thuật quân đội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, Viettel sẽ hợp tác với Tổng cục Kỹ thuật xây dựng hệ thống mã định danh điện tử cho trang bị kỹ thuật và vật tư kỹ thuật; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, ứng dụng số, dữ liệu số dùng chung, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành ngành kỹ thuật quân đội. Đồng thời, Viettel và Tổng cục Kỹ thuật phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong hoạt động kỹ thuật. Viettel cũng tham gia nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong chuyển đổi số ngành kỹ thuật.

Bên cạnh đó, hai bên cùng nghiên cứu, sản xuất, cải tiến hoạt động của Tổng cục Kỹ thuật để từng bước hiện đại hóa, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của các Quân - Binh chủng và ngành kỹ thuật toàn quân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, việc Tổng cục Kỹ thuật và Tập đoàn Viettel ký kết và triển khai chương trình phối hợp có ý nghĩa rất lớn nhằm phát huy thế mạnh, năng lực, kinh nghiệm của từng đơn vị.

Trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống ngày một trở nên bão hòa, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ số đã giúp Viettel mở ra một không gian tăng trưởng mới. Tính đến thời điểm này, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ số có hệ sinh thái chuyển đổi số hoàn thiện nhất tại Việt Nam. Viettel đã hoàn thiện 6 lĩnh vực nền tảng trong xã hội số gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để tương ứng, hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế sâu rộng để chia sẻ kinh nghiệm tránh tình trạng cục bộ, thành tích, đặt lợi ích chung lên trên hết, không vì lợi ích của cá nhân, của ngành, lĩnh vực, địa phương nào.

Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, thực chất, hiệu quả và phải coi trọng việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện.

Nguyễn Thái 

Viettel bắt tay Qualcomm để thương mại hóa 5G

Viettel bắt tay Qualcomm để thương mại hóa 5G

Viettel đã lựa chọn nền tảng Qualcomm 5G RAN để thương mại hóa hạ tầng di động 5G thế hệ tiếp theo.