Tính năng mới sẽ sớm được Vỏ Sò, Postmart cho ra mắt

Là các sàn thương mại điện tử thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post), thời gian vừa qua, Postmart và Vỏ Sò đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tại Hải Dương và một số địa phương trên cả nước ứng dụng công nghệ số, tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tế triển khai, bên cạnh việc khó khăn trong tiếp cận bà con nông dân do họ vẫn nặng tư duy, cách làm cũ, các sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính còn nhận thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa được sản xuất, nuôi trồng theo các quy chuẩn kiểm soát chất lượng.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp cùng với các sàn TMĐT Việt Nam (Postmart, Vỏ Sò), các công ty bưu chính để hỗ trợ các hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn.

Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT để mở rộng việc đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch lên các sàn Postmart, Vỏ Sò.

Tuy nhiên, về phía các sàn, Bộ TT&TT cũng đề nghị xây dựng thêm các tính năng để gắn giá trị sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình nông dân. Việc này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm bà con nông dân cung cấp tới người tiêu dùng, thông qua các sàn TMĐT.

{keywords}
Chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số, đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ tiếp tục được Vietnam Post, Viettel Post mở rộng trong thời gian tới.

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nhấn mạnh, việc gắn sản phẩm với thương hiệu gia đình nông dân sẽ khiến họ có ý thức bảo vệ thương hiệu gia đình, uy tín của sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có thể biết rõ nguồn gốc và an tâm về chất lượng khi lựa chọn sản phẩm của gia đình được đánh giá tốt.

“Về mặt kỹ thuật, việc này hoàn toàn có thể triển khai được ngay vì các sàn đều đã xây dựng “tên shop”, cũng như tính năng đánh giá của người tiêu dùng với sản phẩm, với người bán”, ông Hưng chia sẻ.

Tuy chưa tiết lộ cụ thể thời điểm chính thức cung cấp tính năng mới cho phép gắn sản phẩm với thương hiệu hộ nông dân trên sàn, song đại diện Viettel Post khẳng định Vỏ Sò sẽ sớm ra mắt tính năng này.

Còn theo đại diện Vietnam Post, với yêu cầu cấp thiết về việc gắn thương hiệu gia đình nông dân với sản phẩm họ làm ra và đưa lên bán trên sàn, Postmart đã khởi động xây dựng tính năng “Bảo trợ thương hiệu” (Postmart Mall). Sắp tới, Postmart sẽ triển khai thử nghiệm, trước khi cung cấp chính thức vào khoảng cuối năm 2021.

“Việc triển khai tính năng “Bảo trợ thương hiệu” sẽ mang lại cho những người nông dân/ hộ kinh doanh cá thể nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu cá nhân, có trách nhiệm với sản phẩm thương hiệu của mình”, đại diện Vietnam Post cho hay.

Sàn Postmart cũng dự kiến sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm của cá nhân và hộ kinh doanh cá thể. Cụ thể, Postmart sẽ hỗ trợ nông dân bằng việc hướng dẫn, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nhận diện thương hiệu (nhận diện hình ảnh, bộ logo, màu sắc cho bao bì sản phẩm); hỗ trợ tạo landing page bán hàng cá nhân cho hộ nông dân…

Hoàn thiện quy trình đưa nông sản lên sàn TMĐT

Thực tế triển khai hỗ trợ nông dân Hải Dương trong hơn 1 tháng đã là phép thử để Vietnam Post, Viettel Post hoàn thiện quy trình đưa nông sản của các hộ nông dân lên tiêu thụ trên các sàn TMĐT.

Đại diện Vietnam Post khẳng định, hiện quy trình triển khai đưa nông sản của các hộ nông dân ở các vùng miền lên tiêu thụ trên sàn Postmart và vận chuyển đến tay người tiêu dùng đã được tối ưu, thông qua triển khai mô hình kinh doanh mới.

Với mô hình kinh doanh mới, bưu cục các tỉnh sẽ đứng ra với vai trò là đầu mối tiếp nhận sản phẩm nông sản trực tiếp từ hộ nông dân, sau đó hỗ trợ hộ nông dân bán hàng trên sàn Postmart.

Quy trình thu gom sản phẩm cũng được tối ưu về mặt thời gian: khi phát sinh đơn hàng, bưu cục có thể tiến hành lấy hàng và giao hàng ngay cho người mua, không mất nhiều thời gian thu gom như trước đây.

So với trước, mô hình trên mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hộ nông dân bán hàng và người tiêu dùng. Bởi lẽ, các bưu cục được trực tiếp thu gom sản phẩm từ bà con nông dân, không cần theo hình thức bán buôn “ôm hàng”, tiết kiệm chi phí tồn kho, bảo quản sản phẩm...

Từ đó, người mua sẽ không mất thời gian chờ đợi lâu như trước đây để nhận được đơn hàng, trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng sẽ được cải thiện và nâng cao hơn. Với các hộ nông dân, họ sẽ được lợi ích từ việc các sản phẩm được trực tiếp đưa thẳng lên sàn để kinh doanh, không cần qua trung gian, nhờ đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho. 

Với Viettel Post, theo chia sẻ của ông Hưng, doanh nghiệp này xác định mỗi loại sản phẩm ở từng địa phương cần phải chọn thị trường trọng điểm, khách hàng tiềm năng và làm truyền thông trước, sau đó mới điều chỉnh cách thức vận chuyển để đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng còn tươi ngon.

Hiện tại, sàn Vỏ Sò đang cung cấp công cụ đặt đơn trước, mua chung, flash sales, giúp người bán gom trước một số lượng lớn đơn hàng để vận chuyển theo lô, từ đó giảm chi phí trên một đơn hàng.

Bên cạnh việc được khai thác tối đa lợi thế mạng lưới logistics thông minh của Viettel Post để trữ hàng theo nhu cầu, tần suất tại địa phương, sàn Vỏ Sò cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm kho lạnh, xe lạnh để đảm bảo giữ được độ tươi ngon cho nông sản.

Vân Anh

Hơn 60 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò

Hơn 60 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò

Trong khoảng 1 tháng qua, 2 sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 60 tấn nông sản cho các hộ nông dân Hải Dương. Hai doanh nghiệp bưu chính đang xúc tiến mở rộng chương trình tại các địa phương khác.