FPT Shop vừa mở hai trung tâm sửa chữa điện thoại và laptop ở TP.HCM, trở thành chuỗi đầu tiên trong top các nhà bán lẻ lớn tham gia vào lĩnh vực này.

{keywords}
Một trung tâm sửa chữa điện thoại, laptop mới mở của FPT Shop. (Ảnh: Hải Đăng)

Thông thường, tại các chuỗi bán lẻ lớn vẫn có nhân viên kỹ thuật ở mọi cửa hàng. Những nhân viên này tiếp nhận máy của khách, chẩn đoán sơ bộ và chuyển sản phẩm lên trung tâm bảo hành của hãng để sửa. Những kỹ thuật viên này cũng có thể cài đặt ứng dụng, chạy lại phần mềm ở mức cơ bản, không can thiệp đến phần cứng của máy.

Trong khi đó, những trung tâm sửa chữa sẽ tiếp nhận máy của người dùng, tháo máy chẩn đoán hư hỏng, sau đó thay thế linh kiện, tương tự chức năng của một trung tâm bảo hành. Các trung tâm sửa chữa kiếm nguồn thu từ việc sửa máy đã hết bảo hành và các máy không chính hãng tại Việt Nam.

Trong số các chuỗi bán lẻ lớn và vừa, có duy nhất CellphoneS mở chuỗi Điện thoại Vui chuyên cho sửa chữa. Chuỗi này mở cách đây vài năm và đang tiếp tục mở rộng. Khác với chuỗi Điện Thoại Vui tách biệt khỏi CellphoneS, các trung tâm sửa chữa của FPT Shop nằm bên trong cửa hàng của chuỗi này.

Tại TP.HCM, có một số cửa hàng chuyên sửa chữa như Bệnh viện di động 24H có kinh nghiệm lâu năm, Viện Di Động của Di Động Việt, và một số bên khác. Bên cạnh nguồn thu từ khách hàng lẻ, các bên này còn nhận sửa máy của các cửa hàng, từ các nhãn hàng nhỏ không có trung tâm bảo hành riêng, hay cho các trang thương mại điện tử.

Khoảng chục năm trước, các cửa hàng di động hay các chuỗi lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A đều có nhân viên kỹ thuật có thể sửa chữa máy ngay tại siêu thị. Tuy nhiên sau đó khi số siêu thị nhiều lên, các hệ thống này chỉ đảm nhiệm việc bán hàng, không còn sửa chữa như mô hình cũ.

Điều này, theo ông Nguyễn Đạt, quản lý chuỗi Di Động Việt và Viện Di Động, cho hay quy mô thị trường sửa chữa nhỏ, do đó các hệ thống lớn chú tâm nhiều hơn vào việc bán hàng hơn. Ngoài ra, các siêu thị lớn đều bán hàng chính hãng nên sản phẩm được các trung tâm bảo hành thực hiện sửa chữa, nhà bán lẻ không cần phải xây dựng đội ngũ kỹ thuật cho việc này.

Ông Huỳnh Phú Hải, Giám đốc Bệnh viện di động 24H, cho biết khâu đào tạo nhân viên kỹ thuật cũng khó khăn. Để đào tạo được thợ giỏi nghề có thể sửa chữa sẽ mất thời gian. Bên cạnh đó, những thợ giỏi nghề có thể sẽ tự ra mở cửa hàng riêng, do đó bài toán nhân sự rất khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề linh kiện phục vụ sửa chữa máy cũng khá nan giải. Việc một hãng trang bị đủ linh kiện để sửa sản phẩm của hãng đó không quá khó khăn, nhưng một trung tâm sửa chữa buộc phải đủ hàng hoá sửa cho nhiều hãng khác nhau sẽ rất khó.

Vì những lý do như vậy, các nhà bán lẻ lớn không mặn mà với miếng bánh sửa chữa.

Chưa kể, theo ông Đạt, một sản phẩm bị hư hỏng khi đem sửa chữa xong sẽ khó được nguyên bản như máy mới, máy khó có thể đạt được trạng thái hoàn hảo như ban đầu. Việc này khiến nhiều khách hàng không hài lòng.

“Tiền lời từ sửa chữa không nhiều nhưng rất dễ bị khách hàng phàn nàn”, ông Đạt nói. Các chuỗi bán lẻ có lẽ e ngại ảnh hưởng thương hiệu từ rủi ro này nên đã không nhảy vào lĩnh vực khó nuốt.

Đó là chưa kể, một vấn nạn khiến nhiều khách hàng e ngại mang điện thoại đi sửa là tình trạng thợ sẽ “vẽ” thêm bệnh, hoặc thậm chí “luộc” linh kiện của máy.

Mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng chuỗi Điện thoại Vui hiện đã phát triển được 15 cửa hàng, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Để kiểm soát nhân viên, chuỗi này cho biết ngoài các quy định, quy trình về vận hành - quản lý linh kiện thông qua chương trình đào tạo, còn có các biện pháp kiểm tra giám sát như khách hàng bí mật, đội giám sát đi kiểm tra thường xuyên… Tuy nhiên yếu tố chủ chốt vẫn là việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hoá trung thực, duy trì giá trị cốt lõi tận tâm phục vụ trong công ty.

Dịch vụ sửa chữa như “làm dâu trăm họ”, quy mô lại nhỏ, tuy nhiên Điện Thoại Vui cho rằng số lượng thiết bị điện thoại được bán ra hàng năm rất lớn nên nhu cầu sửa chữa lớn, do vậy thị trường này vẫn tiềm năng. 

Việc các hệ thống lớn nhảy vào sửa chữa, theo Điện Thoại Vui, sẽ góp phần nâng chuẩn cho ngành dịch vụ này, giúp phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trả lời ICTnews, FPT Shop cho biết mô hình sửa chữa được chuỗi này hợp tác với đối tác, sửa chữa các sản phẩm ngoài phạm vi bảo hành. Một số cửa hàng thử nghiệm sẽ tiếp tục được mở ở Hà Nội và TP.HCM thời gian tới.

Hải Đăng

Apple mở rộng ủy quyền sửa chữa máy Mac cho cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài

Apple mở rộng ủy quyền sửa chữa máy Mac cho cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài

Apple bắt đầu hỗ trợ các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài sửa chữa máy Mac một cách chính quy, dù thiết bị đã hết thời hạn bảo hành. Năm ngoái, chương trình này chỉ áp dụng cho iPhone.