Vừa qua vào ngày 05/11/2018, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên năm 2019, theo Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT) tỉnh Điện Biên đưa tin. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu là 100% các văn bản, tài liệu (trừ văn bản loại mật, hồ sơ) của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện được trao đổi trên môi trường mạng (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); hoàn thành việc tích hợp chữ ký số cho phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đang triển khai sử dụng tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Điện Biên cũng hướng tới triển khai phần mềm một cửa điện tử thống nhất tại tỉnh theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT; 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ

Và trong năm 2019 sắp tới Điện Biên cũng phấn đấu cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và một số dịch vụ công cơ bản mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước; Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liêu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển hạ tầng kỹ thuật CBTT; Bảo đảm an toàn thông tin.

Kế hoạch Ứng dụng CNTT năm 2019 của Điện Biên triển khai các nhóm nhiệm vụ cụ thể: Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước; Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liêu chuyên ngành. Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh.

Như đã biết Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử đề ra mục tiêu rõ ràng là đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Ở Điện Biên, quá trình phát triển Chính phủ điện tử vẫn đang diễn ra khá toàn diện. Trước đó vào ngày 11/10/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 862/QĐ-UBND Về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên.

Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ giúp UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh.

Trong Quyết định cũng nêu việc thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo đặt tại Văn phòng UBND tỉnh do Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó là đại diện Lãnh đạo Sở TT&TT, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân. Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị thường trực của Tổ giúp việc.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1388/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND tỉnh Về việc thành lập Ban Chỉ đạo Ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Điên Biên.

Trong khi đó UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2018.

Quy chế gồm 5 chương 18 điều, trong đó Quy chế quy định rõ: Tính hợp pháp của văn bản điện tử; nguyên tắc tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản điện tử; các loại văn bản điện tử; quy trình phát hành, tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản điện tử và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.