Doanh nghiệp bưu chính liên đới hàng lậu, hàng cấm

Sáng 15/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bưu chính Việt Nam có khoảng 550 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động hợp pháp.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị

Trong khi đó, khả năng phát hiện bưu gửi vi phạm hàng cấm gửi của nhân viên bưu chính (nhất là người lao động trực tiếp làm việc tại các khâu chấp nhận, khai thác) còn rất hạn chế, lại không có công cụ/trang thiết bị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về phát hiện hàng giả, hàng cấm.

Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bưu chính đã bị xử lý vì liên quan tới vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Điển hình như vụ phát hiện vật phẩm nghi là ma túy tại Trung tâm Chuyển phát nhanh phía Bắc – Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Song Bình vào ngày 18/3/2019, tại Công ty Cổ phần UPS Việt Nam ngày 19/3/2019. Hoặc vụ bưu gửi có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… có tổng giá trị hàng hóa hơn 2,2 tỷ đồng tại kho cảng ICD Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, và Lô 14 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, có liên quan tới Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T)…

Nỗi khổ của nhân viên bưu chính

“Một trong những khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là việc phân biệt hàng lậu, hàng cấm, bởi kiến thức của nhân viên tiếp nhận hàng hóa chưa đủ dù đã được đào tạo thường xuyên. Gần đây, có người tách riêng cuộn giấy dùng để làm pháo cầm tay ra để gửi, khi nhân viên của chúng tôi có ý kiến thì khách hàng nói ngay rằng đây chỉ là cuộn giấy, không phải là phụ kiện để làm pháo. Một trường hợp khác gửi bùi nhùi sắt đốt lên như pháo, nhưng khi tra danh mục hàng cấm về pháo lại không có loại hàng này, nếu chúng tôi không chấp nhận vận chuyển thì khách hàng sẽ phản ứng”, ông Lê Thanh Bình, Phụ trách pháp chế của Công ty J&T phản ánh.

{keywords}
Ông Lê Thanh Bình, Phụ trách pháp chế của Công ty J&T

“Đối với hàng cấm gửi, có loại nhận biết đường bằng mắt thường, chẳng hạn như vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy. Những loại này nhân viên của chúng tôi thường xuyên được đào tạo nên dễ nhận biết. Nhưng cũng có những mặt hàng chẳng hạn như ma túy, nhất là những loại ma túy mới trên thị trường thì gần như chúng tôi không được đào tạo để nhận biết. Đề nghị cơ quan hải quan tổ chức tập huấn, đào tạo sơ bộ cho các doanh nghiệp bưu chính về nội dung này.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên cập nhật danh mục hàng cấm, hàng giả để chúng tôi dựa vào đó đào tạo nhân viên. Đồng thời, cũng cần có cơ sở dữ liệu về các đơn vị thường xuyên gửi hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, kiểu như blacklist, gửi các đơn vị bưu chính để cảnh báo, khi các đơn vị này đến gửi hàng thì chúng tôi từ chối chấp nhận hoặc kiểm tra thật kỹ”, bà Hà Thị Hòa, Tổng Giám đốc EMS khuyến nghị.

Ứng dụng công nghệ để đảm bảo an toàn an ninh bưu chính

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, bà Vũ Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bưu chính đã phản ánh rằng mặc dù đã được các cơ quan hàng không, hải quan, Bộ TT&TT tập huấn nhận biết hàng cấm, hàng cháy nổ, vũ khí, tiền chất, ma túy…, thế nhưng nếu yêu cầu nhân viên bưu chính phải xác định được hàng cấm thì quá khó, nhân viên bưu điện sẽ phải như “siêu nhân”.

{keywords}
Bà Vũ Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính

Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp bưu chính không đảm bảo an toàn an ninh bưu chính. Doanh nghiệp bưu chính phải thực hiện quyền kiểm tra bưu gửi đã quy định trong Điều 29 Luật Bưu chính.

“Nhiều doanh nghiệp nói rằng đây là quyền thì có thể thực hiện hoặc không. Tuy nhiên, doanh nghiệp hãy coi đây vừa là quyền vừa là trách nhiệm, bởi theo Luật Bưu chính, doanh nghiệp bưu chính phải đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ bưu chính”, bà Thủy nhấn mạnh.

Nêu thực trạng số lượng gói, kiện quá lớn (riêng năm 2020 gần 1 tỷ gói, kiện hàng hóa được gửi qua đường bưu chính), rất khó để có thể mở từng gói, kiện để kiểm tra, bà Thủy đánh giá cao giải pháp của Công ty Giao hàng tiết kiệm, đó là ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm tra hàng hóa trước khi chấp nhận vận chuyển.

{keywords}
Ông Phạm Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng tiết kiệm

“Nhân viên nhận hàng khi lấy hàng đều mở gói, kiện, chụp ảnh nội dung rồi mới nhận. Ảnh được gửi lên hệ thống. Bộ phận kiểm soát nội bộ sẽ kiểm tra toàn bộ ảnh lưu trên hệ thống theo thời gian thực, thấy ảnh nào có nghi vấn thì sẽ kiểm tra kỹ xem ảnh của đơn hàng nào, của shop nào và có biện pháp xử lý phù hợp. Các trung tâm chia chọn cũng được đầu tư máy quét. Ngoài ra, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ di động hóa trong kiểm tra chéo hàng hóa theo thời gian…”, ông Phạm Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng tiết kiệm chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện tại, 60% số lượng gói kiện của Công ty Giao hàng tiết kiệm đã được kiểm tra trước khi chấp nhận vận chuyển. Dự kiến hết tháng 3/2021, doanh nghiệp này nâng số lượng gói kiện được kiểm tra lên 100%.

Bình Minh

'Tuyệt chiêu' chống tráo đổi hàng của các doanh nghiệp bưu chính lớn

'Tuyệt chiêu' chống tráo đổi hàng của các doanh nghiệp bưu chính lớn

Các doanh nghiệp bưu chính lớn đều đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp công nghệ, để đảm bảo an toàn cho các bưu gửi, hàng hóa, giảm thiểu tối đa