Cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức đã tiến hành cuộc điều tra vào Facebook sau các quan ngại về việc người sử dụng mạng xã hội không nhận thức được các hoạt động của công ty này. Cuộc điều tra bao trùm cả dữ liệu từ các nguồn thứ ba và những ứng dụng khác của Facebook như Instagram. Facebook tuyên bố sẽ kháng cáo lại quyết định của nhà chức trách Đức.

Phán quyết của Ủy ban Cạnh tranh Liên bang Đức (FCO) bao gồm: các dịch vụ khác nhau của Facebook gồm Whatsapp và Instagram có thể tiếp tục thu thập dữ liệu, nhưng chúng không thể tổng hợp thông tin với tài khoản Facebook chính của người dùng, trừ khi nhận được sự chấp thuận tự nguyện của họ. Ngoài ra, dữ liệu thu thập từ các trang web thuộc bên thứ ba và chuyển tới tài khoản Facebook của người dùng chỉ được chấp nhận trong trường hợp họ đã xác thực đồng thuận. Cơ quan quản lý còn bổ sung rằng ô chọn bắt buộc cho người dùng để đồng ý với tất cả các điều khoản của công ty không phải là cơ sở đầy đủ cho việc xử lý dữ liệu với mức độ như vậy. Phán quyết trên chỉ áp dụng cho các hoạt động của Facebook trên lãnh thổ Đức, nhưng nó có thể tác động tới các quốc gia khác.

(Nguồn: Internet)

Facebook tuyên bố FCO đã vượt quá giới hạn khi can thiệp vào vấn đề quyền riêng tư dữ liệu, vốn thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước khác. Sẽ có 1 tháng cho nỗ lực kháng cáo trước khi phán quyết chính thức có hiệu lực. Trong trường hợp này, Facebook lại có 4 tháng tiếp theo để phát triển các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo tuân thủ phán quyết, nếu không mức phạt có thể lên tới 10% doanh thu hàng năm.

Quyết định của FCO dựa trên quan điểm Facebook đang lợi dụng vị thế chiếm lĩnh thị trường để thu thập dữ liệu. Chủ tịch của FCO, Andreas Mundt, giải thích: "Trong tương lai, Facebook sẽ không được phép ép buộc người dùng phải đồng ý với hành vi thu thập không giới hạn các dữ liệu không xuất phát từ Facebook và gán vào tài khoản của mình. Việc tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau có ý nghĩa quan trọng với Facebook khi đem lại cơ sở dữ liệu riêng biệt của khách hàng và kiếm được quyền lực trong thị trường".

Ảnh hưởng có thể thấy từ phán quyết của chính phủ Đức là việc sử dụng các nút Like và Share trên các website bên ngoài, vốn cho phép Facebook theo dõi địa chỉ IP của người lướt web, trình duyệt và phiên bản duyệt web, và các thông tin khác dùng để xác minh người dùng. Kể cả khi họ không nhấn vào nút Like hay Share, thông tin vẫn bị thu thập. Tính năng Đăng nhập bằng Facebook, cho phép người dùng bỏ qua việc đăng nhập nhiều lần tên và mật khẩu trên nhiều thiết bị, cũng thu thập các dữ liệu tương tự. Bên cạnh đó, Facebook Pixel còn bổ sung thêm đoạn mã code vào website khác để giúp chủ nhân theo dõi quảng cáo chạy trên Facebook có chuyển đổi người xem thành người mua hay không.

FCO cũng bày tỏ quan ngại về việc Facebook chia sẻ dữ liệu từ Instagram, Whatsapp và các dịch vụ khác trên cùng một nền tảng, trước thông báo về việc tích hợp tất cả các dịch vụ trên từ Facebook. Giải trình về nội dung trên, Facebook cho rằng lợi ích đem lại là tiếp cận khách hàng với các quảng cáo phù hợp trên, các nhà quảng cáo có thể đánh giá hiệu quả chiến dịch tốt hơn hay Facebook có thể xác thực tài khoản giả mạo, chống khủng bố hay bảo vệ người dùng. Mạng xã hội này còn cho rằng hành vi xử lý liên quan tới dữ liệu người dùng thuộc thẩm quyền của cơ quan bảo vệ dữ liệu, trên cơ sở Đạo luật về Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Châu Âu, chứ không phải FCO.

Một cuộc điều tra tương tự cũng đang được FCO tiến hành với Amazon, về hành vi phạm pháp liên quan tới các nhà bán lẻ thứ ba sử dụng nền tảng của gã khổng lồ bán lẻ này.