Trong thời gian qua, người dùng của ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom tăng mạnh do các quốc gia trên thế giới thực thi lệnh phong tỏa và cách ly xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Điều đó dẫn đến số người làm việc từ xa cũng như việc học tập của các học sinh, sinh viên tại nhà tăng lên nhanh chóng.

Chính sự gia tăng đột biến của người dùng đã làm lộ ra hàng loạt lỗ hổng bảo mật của ứng dụng Zoom. Chẳng hạn,  việc xuất hiện các “vị khách không mời mà đến” trong các phòng họp trực tuyến của Zoom, địa chỉ email và hình ảnh của người dùng bị rò rỉ, các cuộc gọi không được mã hóa đầu cuối và lỗ hổng được tìm thấy trong trình cài đặt Zoom cho phép kẻ tấn công có quyền truy cập vào các máy tính để chạy mã độc.

Ngay cả Giám đốc điều hành của Zoom, Eric Yuan cũng thừa nhận số lượng người dùng phát triển quá nhanh làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật. Để giải quyết những lo ngại đó, công ty đã thuê cựu Giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos làm cố vấn và thành lập một ban riêng để xem xét các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và an toàn cho người dùng.

Tuy nhiên, nó không tránh khỏi việc một số tổ chức, công ty, chính phủ, cơ quan nhà nước và trường học cấm Zoom hoặc hạn chế sử dụng.

Đài Loan

Đài Loan ra thông báo cấm tất cả cơ quan chính phủ sử dụng Zoom sau khi Giám đốc điều hành của Zoom thừa nhận các cuộc gọi video được định tuyến nhầm về máy chủ đặt tại Trung Quốc. Theo chính phủ Đài Loan, các cơ quan, tổ chức nếu cần tổ chức hội nghị truyền hình từ xa, không nên sử dụng các sản phẩm không được bảo mật như Zoom.

Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA)

Quyết định cấm nhân viên sử dụng Zoom của NASA được đưa ra sau khi Văn phòng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Boston hôm 30/3 đã đưa ra cảnh báo về Zoom. FBI cho biết người dùng không nên tổ chức họp trên ứng dụng công khai hoặc chia sẻ liên kết rộng rãi. Trước đó, FBI nhận được báo cáo về hai cá nhân không xác định đã xâm nhập vào các phiên họp, truyền bá nội dung phản cảm - hiện tượng có tên “Zoombombing”.

Bộ Ngoại giao Đức

Bộ Ngoại giao Đức cho biết căn cứ các báo cáo truyền thông, Bộ nhận thấy phần mềm họp trực tuyến Zoom có nhiều vấn đề nghiêm trọng về bảo mật dữ liệu và an ninh, dẫn đến nhiều rủi ro khi sử dụng. Tuy nhiên, do phần mềm này được dùng rộng rãi giữa các đối tác quốc tế của Bộ nên hiện chưa thể cấm sử dụng hoàn toàn. Theo đó, trong những trường hợp khẩn cấp hay khủng hoảng, các nhân viên của Bộ Ngoại giao Đức vẫn có thể sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom trên máy tính cá nhân phục vụ công việc của ngành.

Thượng viện Mỹ

Ngày 8/4, Financial Times cho biết, Thượng viện Mỹ thông báo với các thành viên không sử dụng ứng dụng hội nghị video của Zoom vì lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu. Các Thượng nghị sĩ được yêu cầu tìm một nền tảng khác thay thế để làm việc từ xa nhưng chưa ban hành lệnh cấm hoàn toàn.

Lực lượng quốc phòng Úc

Lực lượng quốc phòng Úc đã ra lệnh cấm các thành viên của mình sử dụng Zoom sau khi diễn viên hài người Úc Hamish Blake đăng nhập bất hợp pháp vào một cuộc trực tuyến do lực lượng này tổ chức.

Google

Google đã gửi email đến nhân viên với nội dung cấm dùng ứng dụng Zoom trên máy tính được Google cấp cho họ để làm việc. Phần mềm Zoom cũng sẽ bị Google vô hiệu hóa trên các thiết bị này để không thể tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, Google chỉ cấm sử dụng phần mềm Zoom trên máy tính và vẫn cho phép nhân viên dùng Zoom trên trình duyệt web hoặc ứng dụng di động. Google cho biết những lo ngại về vấn đề bảo mật liên quan đến phần mềm Zoom là nguyên do để công ty đưa ra quyết định này.

SpaceX

Công ty tên lửa SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã cấm nhân viên của mình sử dụng ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom vì những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật quan trọng sau khi cơ quan hành pháp Mỹ cảnh báo người dùng về sự an toàn của ứng dụng nổi tiếng này.

Lệnh cấm của SpaceX đối với Zoom minh chứng cho thách thức gắn kết đối với các nhà sản xuất hàng không vũ trụ khi họ phát triển công nghệ được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, đồng thời cố gắng giữ an toàn cho nhân viên khỏi dịch bệnh.

Trong một email ngày 28/3, SpaceX đã thông báo với tất cả nhân viên về việc mọi quyền truy cập vào ứng dụng Zoom sẽ bị vô hiệu hóa. Từ bây giờ, họ phải dùng email, văn bản hoặc điện thoại làm phương tiện liên lạc thay thế.

Smart Communications

Smart Communications là một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và truyền thông vô tuyến có trụ sở đặt tại Philippines. Công ty này cũng đã ra lệnh cấm sử dụng Zoom trong công việc nội bộ của công ty.

Tổ chức giáo dục

Ngày 5/4, Sở Giáo dục Thành phố New York ra thông báo cấm các trường học trong khu vực dùng ứng dụng Zoom vì lo ngại về vấn đề bảo mật. Phát biểu về vấn đề này, Danielle Filson, phát ngôn của Sở Giáo dục Thành phố New York cho biết việc cung cấp công cụ an toàn và bảo mật cho học sinh để học từ xa là cần thiết. Tuy nhiên, với những lo ngại an ninh như hiện nay, các trường học nên tránh sử dụng Zoom càng sớm càng tốt. Có nhiều lựa chọn thay thế như ứng dụng Microsoft Teams của Microsoft.

Ngoài thành phố này, một số nơi như tiểu bang Utah, Washington và Nevada cũng yêu cầu giáo viên hạn chế sử dụng Zoom để dạy học trực tuyến.