Sharp từng dẫn đầu thế giới về màn hình tinh thể lỏng và pin năng lượng mặt trời. Họ còn là công ty đầu tiên thương mại hóa sản xuất tivi LCD. Song, tương tự các tập đoàn điện tử Nhật Bản khác, Sharp không thể duy trì vị thế và có thời điểm cận kề phá sản.

Việc làm ăn của Sharp “thê thảm” tới mức vào tháng 9/2015, họ phải động viên nhân viên công ty mua sản phẩm để “chống đỡ giai đoạn khó khăn đặc biệt”. Theo tờ Yomiuri Online, công ty đề nghị lãnh đạo chi ít nhất 200.000 yen, lãnh đạo bậc trung mua 100.000 yen, nhân viên tuyến đầu mua 50.000 yen. Kết quả kinh doanh quý trước đó phản ánh rất rõ tình trạng này: bộ phận tivi LCD lỗ tới 12,7 tỷ yen. 

Canh bạc sai lầm

Sharp khởi nghiệp từ sản xuất khóa thắt lưng và bút chì cơ khí trước Thế chiến I. Năm 2004, công ty xây dựng Kameyama - nhà máy màn hình lớn, hiện đại tại Nhật Bản trong khi các đối thủ gia công ở các nước rẻ hơn. Canh bạc này của Sharp được đền đáp. Mẫu tivi Kameyama “made in Japan” thành công lớn, mang lại lợi nhuận khủng cho Sharp. Yukihiko Nakata, kỹ sư đã cống hiến hàng chục năm tại đây, hồi tưởng: “Khi đó chúng tôi là người chiến thắng”.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sharp nhanh chóng chìm trong thua lỗ và tương lai bất định. Theo New York Times, tình cảnh của Sharp xuất phát từ ban lãnh đạo không dự đoán được chuyển dịch lớn trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu. Trung Quốc, đất nước được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, ngày một tiến bộ hơn, đủ khả năng sản xuất sản phẩm sánh được với Nhật Bản về chất lượng. Đâu đó, tại các nước khác, nhiều đối thủ thách thức sự đổi mới của doanh nghiệp Nhật Bản. Trung tâm quyền lực của ngành đã chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Trong khi đó, lãnh đạo Sharp thích ứng một cách chậm chạp. Họ không sẵn lòng thay đổi chiến lược ngay cả khi những điều kiện kinh doanh đang chống lại mình. Ngược lại, họ còn tăng cường đầu tư vào những mảng miếng không có lãi, xoáy sâu khủng hoảng tài chính của công ty.

Chẳng hạn, khi giá màn hình LCD giảm nhanh vào giữa những năm 2000 do tiến bộ kỹ thuật và công suất tại Trung Quốc, Sharp lại gắng sức đi trước đối thủ. Họ còn phát triển màn hình TV cỡ lớn hơn, mở rộng sang màn hình cảm ứng cho smartphone, máy tính bảng. Song, đối thủ bắt kịp nhanh hơn mong đợi, theo kỹ sư Nakata. “Đầu tiên, màn hình máy tính được thương mại hóa. Sau đó là tivi, cuối cùng là smartphone”. 

Các chuyên gia nói rằng Sharp “mờ mắt” trước thành công ban đầu của tivi màn hình phẳng. Không lâu sau khi nhà máy Kameyama bắt đầu sản xuất tivi, Sharp bắt tay vào một nhà máy còn lớn hơn nữa vào năm 2006, gần trụ sở Osaka tại Sakai. Với quy mô gấp 4 lần Kameyama, chi phí xây dựng lên tới hơn 4 tỷ USD. Nhà máy hoàn thành năm 2010. Đến năm 2012, nhà máy hoạt động dưới công suất và phải bán một phần cho tỷ phú Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn. Đây là lý do Sharp lỗ hơn 10 tỷ USD.

Theo ông Nakata, dù công suất tại Kameyama đã đủ dùng, Sharp vẫn ngoan cố xây dựng Sakai. Đây là một sai lầm căn bản. Những người đứng đầu Sharp không nghĩ như vậy. Tại buổi khai trường nhà máy Sakai, ông Mikio Katayama, Chủ tịch tập đoàn Sharp khi ấy, khẳng định: “Đối thủ của chúng tôi có thể theo đuổi quy mô này nhưng chúng tôi có lợi thế về chi phí”.

{keywords}
 

Thực tế chứng minh Chủ tịch Sharp đã đầu tư sai thời điểm. Thế giới giới vật lộn sau khủng hoảng tài chính 2008. Giá màn hình LCD giảm mạnh, tivi LCD 60 inch bán chậm hơn tại Mỹ, đồng yen tăng khiến xuất khẩu từ Nhật Bản đặc biệt đắt đỏ. Sharp rơi vào báo động đỏ khi còn “một núi” tivi tồn kho, còn đối thủ như Samsung lại tận dụng lợi thế nhờ cung ứng tivi cỡ trung. Từ đó, công ty trải qua hai đợt tái cấu trúc và được các ngân hàng cứu trợ. Khoảng 6.000 nhân viên toàn thời gian mất việc, tương đương 1/4 lực lượng lao động.

Lục đục quản lý

Tháng 4/2012, Chủ tịch Katayama rời vị trí để nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và được thay bằng Giám đốc điều hành Okuda Takashi. Thua lỗ dồn dập buộc ông Katayama phải từ bỏ quyền lực một cách đột ngột, khiến ông Okuda bất ngờ bị đôn lên lãnh đạo để tái cơ cấu công ty. Dù vậy, kinh nghiệm của ông chỉ giới hạn trong tivi LCD và kinh doanh ở nước ngoài nên ông cũng nhanh chóng thất bại.

Cựu Chủ tịch HĐQT Machida Katsuhiko – người đưa công ty thành thế lực lớn nhờ LCD – đã dẫn đầu các cuộc đàm phán thành lập liên minh với Foxconn. Cả ông Katsuhiko và Katayama đều tham gia vào đàm phán. Dù vậy, giao dịch khi đó vấp phải một số khó khăn, dẫn tới việc Foxconn không trực tiếp đầu tư vào Sharp. Ông Katayama tiếp tục công cuộc tìm kiếm vốn đầu tư nước ngoài. Sharp tiến vào giai đoạn đầy bối rối khi không rõ ai là người phụ trách thực sự.

Không thể tìm đường giữa “mớ bòng bong”, vào tháng 6/2013, ông Okuda từ chức Chủ tịch để trở thành Chủ tịch không điều hành, phục vụ thêm 1 năm 3 tháng. Ông Takahashi Kozo được bổ nhiệm vào vị trí này và ngay lập tức công bố kế hoạch đưa công ty thoát khỏi khủng hoảng vào năm tài chính 2015. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại chỉ sau 2 năm.

Những thay đổi mà ban lãnh đạo đưa ra nhằm cắt giảm chi phí, bao gồm tự nguyện nghỉ hưu sớm, giảm tăng lương, là chưa đủ. Sharp tiếp tục dựa vào bộ phận LCD làm ăn thất thường và mảng kinh doanh pin mặt trời lâu năm chưa có lãi. Ông Kozo vốn không có kinh nghiệm quản lý bộ phận LCD hay pin mặt trời đã giao phó việc này cho các giám đốc khác.

Kế hoạch ban đầu khá tốt khi số liệu năm tài khóa 2013 vượt mục tiêu dự kiến khi Sharp chuyển sang sản xuất màn hình LCD cỡ vừa và nhỏ cho smartphone, máy tính bảng, hai ngành có tỉ suất lợi nhuận tương đối cao. Tăng trưởng vượt bậc của thương hiệu smartphone Xiaomi Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu với màn hình cỡ nhỏ, đem tới lợi nhuận lớn cho Sharp. Tuy nhiên, đến nửa sau năm tài khóa 2014, đơn hàng từ Xiaomi giảm, giá tấm nền giảm theo. Đó là vì Sharp thua trong trận chiến chi phí và hiệu suất với Japan Display.

Japan Display là liên doanh dựa trên hợp nhất các bộ phận LCD của Sony, Toshiba và Hitachi. Họ cung cấp tấm nền tích hợp chức năng màn hình cảm ứng, trong khi tấm nền LCD của Sharp vẫn cần gắn thêm màn hình cảm ứng bên ngoài. Dù đã tăng tốc phát triển tấm nền tích hợp với hi vọng cung ứng vào tháng 6/2015, Sharp không thành công vì chậm trễ. Samsung tiếp tục giáng đòn nhờ thương mại hóa tấm nền LCD trang bị đèn nền LED thành công. Sharp cũng chậm chân trên thị trường tivi 4K độ nét siêu cao.

Theo cựu Giám đốc Công nghệ Mizushima Shigaeki, Sharp dẫn đầu thế giới về phát triển LCD nhờ có nhiều kỹ sư xuất sắc với 40 năm kinh nghiệm. Song, chỉ vì không chú ý đến chuyển động của thị trường mà công ty không thể chuyển đổi năng lực công nghệ này thành thành công thương mại. Tháng 8/2016, Sharp chính thức bán mình cho Foxconn với giá 3,5 tỷ USD, đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất của một công ty nước ngoài trong ngành công nghệ Nhật Bản và chấm dứt sự tồn tại độc lập của công ty có tuổi đời hơn 100 năm.

Du Lam

Mạng xã hội địa phương 'đè bẹp' Facebook tại Nhật Bản

Mạng xã hội địa phương 'đè bẹp' Facebook tại Nhật Bản

LINE là ứng dụng mạng xã hội hàng đầu Nhật Bản với 86 triệu người dùng hàng tháng, “đè bẹp” Facebook với 26 triệu người dùng.