Thủ tướng: Phải tạo tâm lý thoải mái cho người cách ly

Thủ tướng nhận định người cách ly không được ra ngoài sẽ thấy bức bách, do đó, TP.HCM cần tạo tâm lý thoải mái cho họ như cung cấp Wi-Fi, sử dụng công nghệ để giám sát.

Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP.HCM đã đến kiểm tra khu Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Thủ tướng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn và phòng tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, tránh trường hợp như Bắc Giang. Ông yêu cầu TP.HCM phải sắp xếp các khu cách ly sao cho tối đa mỗi phòng 2 người, lý tưởng là một người, và đặc biệt phải có nhà vệ sinh riêng.

Về công tác đảm bảo an toàn cho khu cách ly, phong tỏa, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ trưởng Công an chi viện lực lượng cho TP.HCM, làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh khu vực này.

Giải pháp test nhanh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng TP.HCM không nhất thiết phải đặt nặng việc xét nghiệm RT-PCR mà cần dùng test nhanh. Ông gợi ý thực hiện test nhanh 3-5 ngày/lần và đến ngày thứ 14 mới làm xét nghiệm PCR để khẳng định. "Không nhất thiết phải quá mất công sức vào PCR", ông Long nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.

Đồng tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã đến thăm khu sản xuất test nhanh của Việt Nam. Chất lượng test nhanh này tương đương hàng nhập khẩu, giá chỉ bằng 1/3.

"Mỗi ngày sản xuất khoảng 10.000 thì nâng lên 120.000, rồi nâng lên 150.000. Như vậy, một tháng sản xuất được khoảng 4,5 triệu. Đề nghị chuyển test nhanh từ Hà Nội vào TP.HCM ngay. Làm ngay bây giờ", Thủ tướng nói với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế lập tức đề nghị hàng không Việt Nam vận chuyển ngay test nhanh vào TP.HCM.

"Có bao nhiêu tập trung cho TP.HCM bấy nhiêu", ông chỉ đạo.

Giám sát người cách ly bằng công nghệ

Tạo tâm lý thoải mái cho người cách ly cũng là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh. Ông dẫn chứng tại Bắc Giang, nhiều trường hợp trèo tường ra khỏi khu cách ly để uống bia hoặc mua SIM điện thoại. Tình trạng này xuất phát từ tâm lý quá bức bách trong khu cách ly.

Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo Wi-Fi trong khu cách ly để người dân có phương tiện học tập, làm việc, giao lưu, giải trí. Bên cạnh đó, ông yêu cầu nghiên cứu phương án giám sát người cách ly bằng công nghệ.

Thu tuong tham cong ty Nanogen anh 1

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo Wi-Fi trong khu cách ly để người dân có phương tiện học tập, làm việc, giao lưu, giải trí. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ hoàn toàn có thể làm được việc giám sát việc mọi người không giao lưu, đi lại quá 2-5 m.

“Không thể dùng sức người để giám sát hàng nghìn người được. Đây là lúc rất tốt để cung cấp một số chương trình miễn phí như học tiếng Anh, kỹ năng số”, ông Hùng nói.

Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM mạnh dạn dùng công nghệ truy vết chính xác, hạn chế cách ly. Ông nêu bài học tại Bắc Giang, ngành y tế cách ly 4 người một phòng nên khi một người nhiễm thì cả 4 người thành F0, vì thế số ca nhiễm ở đây tăng rất nhanh. Do đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố nên ưu tiên cách ly mỗi người một phòng.

“Nói tóm lại, chìa khóa của chúng ta hiện nay trong khu cách ly và trong khu phong tỏa phải một là test nhanh, hai là công nghệ”, Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng làm việc với TP.HCM sau một tháng bùng dịch

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax - vaccine của Việt Nam); Công ty Nissei Electric Vietnam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức).

Chiều cùng ngày, Thủ tướng sẽ có buổi làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng vào làm việc với TP.HCM trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 đã xuất hiện hơn một tháng. Dù thành phố liên tục nâng các biện pháp giãn cách nhưng số ca nhiễm vẫn tăng. Ngày 26/6, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với 667 ca, hầu hết ở trong khu cách ly, phong tỏa.

Hiện, TP.HCM chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 2 (tính từ 16/6). Ngày 1/7, TP sẽ phải đưa ra quyết định về phương án giãn cách tiếp theo.

Đợt tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử tại TP.HCM với kế hoạch tiêm 800.000 liều vaccine trong 7 ngày, dự kiến kết thúc vào 26/6. Tính đến hết 24/6, TP đã tiêm được hơn 400.000 liều vaccine.

Giữa tháng 5, Thủ tướng đã có chuyến làm việc tại TP.HCM. Sau khi làm việc với UBND TP, ông đã đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

(Theo Zingnews)

Thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý công tác tiêm chủng tại TP.HCM

Thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý công tác tiêm chủng tại TP.HCM

Công nghệ đang áp dụng thí điểm trong quá trình tiêm chủng Covid-19 tại TP.HCM giúp hỗ trợ quản lý, theo dõi được dễ dàng và thuận tiện hơn.