VnReview lược dịch bài viết của tác giả A. Souppouris, trang Engadget.

Từ người tiên phong trở thành kẻ chạy theo

Hôm 23/3, trong lúc xem buổi thuyết trình của CEO Intel về kế hoạch tương lai của công ty, tôi bỗng hồi tưởng lại những dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường phát triển 15 năm qua của ngành công nghệ nói chung và Intel nói riêng. Năm 2005, tôi lần đầu tiên sở hữu một chiếc điện thoại thông minh trang bị vi xử lý Intel. Cụ thể, smartphone này do HTC (High Tech Computer Corporation) sản xuất với tên gọi là HTC Magician. Dù HTC Magician không quá đặc biệt khi mà có nhiều điểm tương đồng với những sản phẩm cùng thời nhưng nó vẫn có đầy đủ chức năng cần thiết, được nhiều người dùng ưa chuộng và đặc biệt là được gắn chip XScale ARM của Intel phát triển.

Một năm sau khi tôi mua HTC Magician, Intel đã bán thương hiệu sản xuất chip chạy nền ARM XScale để dồn sức phát triển một CPU x86 có hiệu năng cao nhưng tiêu tốn ít điện năng dành cho các hệ máy Windows Vista vào năm 2010. Tuy nhiên, đây được xem là một trong những quyết định sai lầm nhất của hãng vì ngày nay các chip nền ARM đã và đang thống trị thị trường smartphone. Quý trước, có gần 6,7 tỷ chip thiết kế dựa trên nền tảng của ARM đã được xuất xưởng để trang bị cho không chỉ smartphone mà còn nhiều sản phẩm khác như tablet, máy chơi game console cùng vô vàn thiết bị IoT. Trong khi đó, cho đến hiện tại Intel vẫn chưa phát hành con chip chuẩn x86 siêu tiết kiệm điện năng mà hãng từng phải bán đi XScale để có thể thực hiện nghiên cứu. 

Năm 2010, Apple cho ra mắt chiếc iPad đầu tiên chạy chip nền ARM. Hai năm sau đó, Microsoft phát hành Windows RT, một hệ điều hành sử dụng cấu trúc 32-bit ARM dùng để chạy trên các máy sử dụng chip ARM. Cùng lúc đó, Intel cũng đang miệt mài chế tạo một phiên bản chip x86 tiết kiệm điện năng gọi là Atom. Tuy nhiên, kết cục là Atom lại không đạt được thành công như mong đợi và Intel dần bị các nhà sản xuất chip ARM bỏ xa trong cuộc đua phát triển chip tiết kiệm điện năng. Đây là một trong những bước ngoặt quan trọng khiến nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử lần lượt chuyển sang dùng các loại chip nền ARM. Điển hình, Microsoft đã cho ra mắt phiên bản hệ điều hành tiếp theo dành cho các hệ máy chạy chip ARM trong khi Apple đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm chạy chip ARM của riêng mình với sự xuất hiện của một loạt các máy Mac M1 ra mắt vào cuối năm ngoái. 

Vào năm 2017, hai năm sau khi Intel thất bại trong việc đạt được mục tiêu chế tạo các dòng CPU 10nm, nhiều nhà sản xuất chip khác như Qualcomm, Apple, Samsung đã bắt đầu xuất xưởng loại chip này và ra mắt chúng trên sản phẩm của mình. Mặc dù chip 10nm của những hãng này không sở hữu nhiều công nghệ độc quyền như chip 10nm mà Intel giới thiệu nhưng chúng lại phổ biến hơn nhiều vì ưu thế xuất hiện trước.

Vào giữa năm 2019, AMD, đối thủ cạnh tranh trực tiếp lớn nhất của Intel trong thị trường chip máy tính, đã trình làng bộ vi xử lý xây dựng trên tiến trình 7nm của TSMC trong khi đó hãng chỉ mới dừng lại ở CPU 10nm. Tuy vậy, mãi đến cuối năm 2019, Intel mới xuất xưởng chip 10nm và theo các văn bản, chỉ có một số vi xử lý Intel 10nm được tìm thấy bên trong laptop trong khi các con chip trang bị trên PC của hãng vẫn mắc kẹt ở tiến trình 14nm. Intel đã trì hoãn tiến trình 10nm quá lâu so với lịch trình đề ra trước đó, điều này buộc nhà sản xuất chip này buộc phải kéo dài vòng đời của tiến trình 14nm.

Trong vài năm qua, AMD tăng hơn gấp đôi thị phần chip của mình. Trong khi đó, Qualcomm gần như trở thành nhà cung cấp chip độc quyền cho các sản phẩm điện thoại thông minh Android cao cấp. Ngoài ra, Apple cũng có một bước tiến quan trọng trong việc tự chủ công nghệ chip máy tính hay loại bỏ sự phụ thuộc vào Intel bằng cách trang bị cho các dòng máy Mac con chip nền ARM do chính hãng phát triển và được sản xuất trên tiến trình 5nm hàng đầu trong ngành của TSMC. 

Tất cả những điều này đủ để nói rằng Intel đang bị ép vào một thế vô cùng khó khăn trên thị trường và hãng chip này không nên đổ lỗi cho ai ngoài chính họ. Ngành công nghệ nói chung và mảng bán dẫn nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong 15 năm qua nhưng có một kẻ đã bị bỏ lại đó là Intel. Nhà sản xuất chip đến từ Mỹ ngày càng tỏ ra "hụt hơi" cũng như yếu thế hoàn toàn trong cuộc chạy đua công nghệ do những quyết định kém cỏi của ban lãnh đạo công ty và cả sức ép của nhiều công ty sản xuất bán dẫn khác. Từ vị thế của một công ty đứng đầu ngành, Intel giờ đây đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh và bắt kịp với những đối thủ cạnh tranh của mình. Có thể nói, Intel chính là ví dụ mới nhất cho sự chậm thích nghi với các đột phá công nghệ để rồi dần tự hủy hoại mình.

Là một CEO, chắc hẳn Pat Gelsinger hiểu được Intel đang phải trải qua và biết rằng mình cần làm gì. Trước đó, Gelsinger là một trong những người góp công vào việc chế tạo ra Intel 80386, vi xử lý đã làm thay đổi ngành công nghệ máy tính. Chưa hết, ông còn trở thành kiến trúc sư chính trong đội ngũ phát triển con chip kế nhiệm của 80386 là 80486 và trực tiếp đưa Intel đi đến kỷ nguyên Pentium. Sau thời gian làm giám đốc kỹ thuật từ năm 2000 đến đầu năm 2005, Gelsinger rời Intel vào năm 2009 và bất ngờ quay trở lại làm việc hồi tháng trước với cương vị Giám đốc điều hành của công ty. Ngay lập tức, CEO mới đã tuyên bố Intel cần có những thay đổi mạnh mẽ và đây được mong chờ là một chiến lược đột phá có thể hồi sinh Intel. 

Intel có một kế hoạch 

Bài thuyết trình của Gelsinger cho thấy một sự pha trộn hòa hợp đến kỳ lạ giữa tình trạng đáng báo động của Intel và sự thú vị trong kế hoạch mà ông vạch ra. Vừa qua, Intel đã chi 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy chế tạo tiên tiến ở Arizona nhằm nâng tầm sản xuất chip, khôi phục hoạt động kinh doanh và tạo tiền đề cho kế hoạch kế hoạch sử dụng kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) trong quy trình sản xuất mới ở tương lai. Bên cạnh đó, Intel cũng dự định sẽ nâng cấp cho các nhà máy lớn khác ở Mỹ và Châu Âu lên mô hình có quy mô và công nghệ tương tự như 2 nhà máy ở Arizona. 

Tại thời điểm mà nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng và Đài Loan là nơi hứng chịu điều này nhiều nhất, đồng nghĩa với việc Intel sẽ có nhiều thời gian và cơ hội hơn để lấy lại vị thế của mình.  Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ đa dạng và có thể đáp ứng liên tục, đặc biệt là đối với chất bán dẫn. Và có lẽ để làm được điều đó, ông cần một công ty công nghệ có đủ kinh nghiệm và sự am hiểu về lĩnh vực này để có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt những công ty khác. Mặc dù chưa có bất kỳ một dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy rằng Intel sẽ được chính phủ Mỹ tin tưởng giao cho trọng trách này nhưng đại diện công ty cho biết họ "cảm thấy rất vui khi được hưởng các ưu đãi trong nỗ lực thúc đẩy loại hình đầu tư trong nước này của bang Arizona và chính quyền Biden". 

Trong chiến lược mở rộng năng lực sản xuất chip của Intel, có một điều thực sự thú vị là hãng dự định sẽ sử dụng nguồn lực của mình để sản xuất chip cho các công ty lớn như Qualcomm và Apple, cả hai vẫn đang phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung chip từ nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC. Dĩ nhiên, Intel sẽ không bán cho Apple bộ vi xử lý của riêng mình, thay vào đó, họ sẽ hoạt động tương tự như một xưởng đúc thuê ngoài của Apple và sẽ sản xuất những con chip dựa trên bản các thiết kế từ Táo khuyết. Đây không phải là lần đầu tiên Intel có ý định xây dựng mô hình này, nhưng từ bài thuyết trình của Gelsinger, có thể thấy rằng đây nhiều khả năng sẽ là nền tảng tiền đề cho các kế hoạch kinh doanh tiềm năng khác của hãng trong tương lai. 

Về mảng công nghệ, Gelsinger nhắc đến sự cần thiết của việc thiết lập lại "kỷ luật tích tắc", một định hướng cũ của Intel có nghĩa rằng mỗi năm hãng sẽ cho ra mắt một bộ vi xử lý được trang bị những cải tiến hiện đại nhất về kiến trúc hay được xây dựng trên một tiến trình hoàn toàn mới. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2015, Intel đã thực hiện rất thành công chiến lược này nhưng kể từ sau thời điểm này, hãng liên tục bị "chững lại" trong các cuộc chạy đua nâng cấp chip. Kết quả, Intel đã rơi từ vị trí của một người dẫn đầu xuống một kẻ phải cố gắng bắt kịp.

Tuy vậy, Gelsinger tiết lộ chip 7nm đầu tiên của công ty, Meteor Lake sẽ chỉ được xuất xưởng cho đến năm 2023, chậm hơn một năm so với đề xuất của công ty trước đó. Ngoài ra, CEO Gelsinger thừa nhận rằng công ty sẽ cần thuê ngoài sản xuất một số CPU của họ trước khi các cơ sở mới hoàn thành. Intel không thể vừa giải quyết khó khăn trong sản xuất chip 7nm vừa đáp ứng nhu cầu khác từ khách hàng ở hiện tại, vì vậy họ cần sự hỗ trợ. 

Liệu Intel có thể lập lại thế cân bằng?

Một khoảnh khắc đặc biệt đáng chú ý trong buổi thuyết trình là việc Gelsinger tuyên bố rằng Intel hiện đang chuẩn bị thực hiện một kế hoạch gì đó thực sự lớn mà có thể giúp họ lấy lại lợi thế và bắt kịp đối thủ nhanh chóng. Thậm chí đây mới chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi các dự án đáng mong chờ sắp tới của Intel dành cho khách hàng và các nhà đầu tư. Hiện tại, có thể nói đối thủ mà Intel cần phải dè chừng nhất không ai khác ngoài TSMC, gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan không ngừng thúc đẩy hoạt động sản xuất bằng cách tăng thêm nguồn lực và mở rộng phạm vi địa lý, điển hình trong đó bao gồm việc xây dựng một nhà máy chế tạo tiên tiến ở Arizona.

Một công ty khác cũng đang tạo ra một sức ép không nhỏ lên thị phần của Intel là Samsung, tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc đang tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình với việc đầu tư xây dựng thêm các cơ sở sản xuất hàng đầu tại Mỹ. Mặc dù Samsung được giới chuyên gia nhận định không có khả năng vượt qua TSMC lẫn Intel về mặt công nghệ ở thời điểm hiện tại, nhưng họ đang làm việc với một thái độ thật sự nghiêm túc và cần mẫn, điều này giúp họ duy trì được một lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường.

Hiện tại, cả Samsung, TSMC và Intel đều nhập máy móc sản xuất cho công xưởng của họ từ ASML, công ty điện tử Hà Lan là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn đồng thời là công ty duy nhất có khả năng cung cấp thiết bị chế tạo các chip EUV, công nghệ chip được cho là tương lai tiếp theo của ngành bán dẫn. Do đó, cuộc chiến giữa Samsung, TSMC và Intel không chỉ dừng lại ở cạnh tranh khách hàng mà còn về cả nguồn lực sản xuất. Mặc dù ASML đang tích cực mở rộng quy mô sản xuất, nhưng cho đến nay họ mới chỉ xuất xưởng được hơn 100 máy EUV, điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các ông lớn sản xuất chip. 

Trong buổi thuyết trình, CEO Gelsinger còn bày tỏ tham vọng đưa Intel trở thành "công ty lãnh đạo công nghệ" chỉ sau 4 hoặc 5 năm nữa. Giới chuyên gia đã tranh luận cũng như tò mò về việc Intel sẽ làm điều này như thế nào khi mà họ đang bị tụt hậu so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Lấy ví dụ đơn giản, trong khi Intel vẫn đang vật lộn với các dây chuyền chế tạo chip 10nm, thì đối thủ TSMC đã cho ra mắt các dòng CPU 7nm và hiện đang sản xuất chip trên tiến trình 5nm.

Tuy nhiên, việc so sánh kích thước của bóng bán dẫn trên chip để biết liệu đâu là chip hiệu năng mạnh hơn là không chính xác, vì chúng sở hữu kích thước có đơn vị đo siêu nhỏ, chỉ ở mức "nm". Đối với kích thước nhỏ như vậy, các con số sẽ không còn giữ được độ chính xác cao nữa. Do đó, giữa Intel chip 7nm và TSMC chip 5nm, để biết đâu là vi xử lý có hiệu suất tốt hơn, tốt nhất là chúng ta dựa vào mật độ bóng bán dẫn có trên mỗi CPU.Chẳng hạn, tiến trình 10nm của Intel được giới chuyên môn cho là có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với tiến trình 7nm của TSMC, mặc dù giữa các con số này có sự khác biệt lớn. Trong thời gian sắp tới, khi được ra mắt, chip mà Intel sản xuất trên tiến trình 7nm được dự đoán có thể vượt qua cả chip 5nm của TSMC.

Tuy vậy, việc Intel trì hoãn thời gian chuyển sang cấu trúc 7nm một lần nữa khiến họ mất đi lợi thế trước đối thủ. Theo đó, TSMC được cho là đang có kế hoạch sản xuất một số lượng lớn chip trên quy trình 3nm vào nửa cuối năm 2022, đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với Intel. Vì vậy, giới chuyên gia nhận định Intel khó có thể xoay chuyển mọi thứ chỉ trong một sớm một chiều. Nếu chiều hướng này tiếp tục, quả thực tương lai ngành bán dẫn có vẻ sẽ không có nhiều thay đổi vượt bậc. Vào thời điểm Apple tuyên bố sẽ ra mắt dòng máy Mac hiệu suất cao trang bị chip của riêng mình, từ bỏ các chip Intel 14nm và chuyển sang sử dụng chip nền ARM 5nm từ TSMC, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong ngành bán dẫn.

Chúng ta có rất nhiều cách dùng để ca ngợi M1 khi nhắc đến sức mạnh "phi thường" của nó, đặc biệt chip xử lý này được đánh giá cho khả năng hiệu suất vượt trội, tiết kiệm điện năng hơn nhiều so với phiên bản dùng CPU Intel. Mặc dù không biết rằng Apple có thể tiếp tục tạo ra điều thần kỳ gì với dòng chip của riêng mình, nhưng nhiều nguồn tin tiết lộ rằng Táo khuyết đang nghiên cứu chip xử lý 32 nhân, cho hiệu năng bỏ xa cả chip M1. Bước tiến quan trọng này của Apple phần nào đã tạo ra một khoảnh khắc nhục nhã đối với Intel trong mắt khách hàng và ngành công nghệ.

Không chỉ bị Apple vượt mặt, đối thủ lớn nhất của Intel là AMD cũng đang có những bước tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ mặc dù thị phần của công ty hiện đã chững lại do tình trạng khan hiếm chip toàn cầu lan rộng. Giống như Apple, lợi thế của AMD không chỉ dừng lại ở năng lực sản xuất nhờ thuê ngoài sản xuất ở TSMC. Thêm vào đó, vào năm 2017, hãng chip này còn chuyển kiến trúc chip sang giải pháp "chiplet" cho phép họ tạo ra những con chip mạnh mẽ hơn trong thời gian ngắn hơn và giá thành rẻ hơn. Kể từ đó, AMD tiếp tục áp dụng và cải thiện độ hiệu quả của kiến trúc này trên hầu hết mọi thế hệ chip sau đó. Kết quả, các chip Ryzen mới nhất về cơ bản đã có hiệu suất tăng lên khoảng 20% so với các phiên bản trước đó mặc dù tất cả đều được chế tạo trên cùng một tiến trình từ TSMC. 

Nói đi cũng phải nói lại, không thể phủ nhận rằng bản thân Intel vẫn sở hữu những công nghệ độc quyền đã làm nên tên tuổi của họ trong nhiều năm cùng hàng loạt những kỹ sư xuất sắc. Việc họ có thể làm được rất nhiều điều với tiến trình 14nm trong nhiều năm qua là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Cụ thể, Intel đã ra mắt chip 14nm đầu tiên của mình vào năm 2015, con chip cuối cùng mà Intel dẫn trước các đối thủ khác về công nghệ. Thời điểm cuối năm 2015, dòng máy tính để bàn trang bị vi xử lý 4 nhân 6700K với tốc độ 4 – 4,4GHz của Intel là mặt hàng bán chạy nhất khi đó. Cho đến hiện tại, chip PC 14nm mạnh mẽ nhất sắp ra mắt của hãng đã được nâng cấp phiên bản 8 nhân 11900K với tốc độ 3,5 – 5,3 Ghz. Có thể nói, Intel cũng cố gắng hết sức để cải thiện tiến trình sản xuất của mình qua các năm, nhưng hiện tại họ cần một người định hướng để đi xa hơn thay vì miệt mài tìm cách đổi mới một con chip đã "lỗi thời" từ lâu. 

Một phần thành công của Intel ở tiến trình 14nm là họ đã tăng cường sức mạnh cho các con chip của mình. Đối với PC, người dùng ít khi để ý đến khả năng tiết kiệm điện năng như laptop, do đó, đây là một điểm sáng của Intel. Những năm gần đây, bạn có thể nhận thấy rằng các PC cao cấp của Intel thường phải đi kèm với quạt tản nhiệt để tránh hao phí điện năng quá nhiều trong những trường hợp CPU làm việc với hiệu suất cao. Tuy vậy, điều này chắc hẳn là một vấn đề không quá lớn với những ai đã chịu chi tiền để mua những dòng PC cao cấp. Trong khi đó, vấn đề về điện năng chính là mối quan tâm hàng đầu của phần lớn những ai có ý định mua và sử dụng laptop.

Nếu phải lựa chọn giữa một laptop có hiệu năng cao hơn nhưng tiêu thụ nhiều điện năng với một laptop tiết kiệm điện năng và còn có hiệu năng vừa đủ dùng, chắc hẳn đa số người dùng sẽ chọn chiếc laptop thứ 2. Thật sự mà nói, Intel đã cố gắng rất nhiều để cân bằng giữa yếu tố hiệu năng và điện năng trên dòng các dòng chip smartphone cũng như laptop của mình, điển hình có thể thấy ở các chip xây dựng trên tiến trình 10nm của họ. Tuy nhiên, khi nhìn vào Macbook Air M1 hay một laptop gaming chạy chip AMD thì nhận thấy rằng Intel có nhiều việc cần phải làm ngay bây giờ. 

Trong tương lai, Intel nhiều khả năng sẽ từ bỏ kiến trúc vi xử lý nguyên khối, thay vào đó, hãng sẽ hướng tới một cái gì đó có sự hòa trộn giữa kiến trúc chip của Apple và AMD. Cụ thể, Intel sẽ áp dụng công nghệ 3D Foveros xếp chồng các thành phần bên trong chip lên nhau, tất cả đều là các bộ phận riêng biệt (chiplet), qua đó giúp thiết kế chip linh hoạt hơn, đạt hiệu suất cao hơn. Gã khổng lồ trong ngành bán dẫn kỳ vọng 3D Foveros sẽ mở một tương lai mới cho công nghệ CPU. Thêm vào đó, từ tham vọng cung cấp chip đồ họa hàng đầu của Intel, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tầm nhìn của hãng là kết hợp tất cả thành phần trên một hệ thống duy nhất giống như Apple đã từng làm với M1. 

Sự nghi ngờ là vẫn còn

Trong bối cảnh Intel đang gia tăng sự tập trung vào việc chế tạo, lộ trình khách hàng và sẵn sàng thuê ngoài sản xuất từ những nhà sản xuất lớn khác như TSMC và Samsung, Gelsinger đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để đưa công ty trở lại vị trí dẫn đầu trong ngành. Mặc dù điều này chắc chắn sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng nó sẽ không quá ảnh hưởng đến Intel. Hiện tại, hãng vẫn đang là công ty dẫn đầu về lợi nhuận và có đủ tiềm lực để tiếp tục đầu tư thêm hàng chục tỷ USD cho kế hoạch trở lại của mình trong nhiều năm tới. 

Trước khi bàn về khả năng trở lại của Intel, vẫn còn những câu hỏi quan trọng cần phải giải đáp. Đầu tiên, đó là việc Apple đã "chia tay" Intel và nhiều đối tác đều cũng đã và đang chuyển sang sử dụng linh kiện từ AMD, vậy hy vọng nào để Intel kiếm lại các khách hàng ít nhất là trước khi họ tạo ra được một sản phẩm chip hàng đầu? Tiếp đến, TSMC hiện đang là một nhà sản xuất bán dẫn hoạt động cực kỳ mạnh mẽ với văn hóa tiến bộ không ngừng được truyền lửa bởi người sáng lập Morris Chang.Công ty này đạt được những thành tựu như ngày nay nhờ vào việc duy trì một mô hình xưởng đúc thuần túy và tư tưởng không bao giờ cạnh tranh với đối tác của mình. Ngoài việc sắp sản xuất hàng loạt chip xây dựng trên tiến trình 3nm, TSMC còn đang có kế hoạch đạt được các tiến trình tiên tiến khác như 2nm, 1,4nm và 1nm trong thập kỷ này - hãng sẽ không ngồi yên chờ Intel bắt kịp và Samsung cũng vậy.

Vì vậy, công cụ cạnh tranh chính của Intel có thể sẽ phụ thuộc vào Mỹ và các xưởng đúc mà hãng đang đầu tư xây dựng ở Mỹ và Châu Âu. Trong môi trường công nghệ có tính cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, đây được xem là một "vũ khí" rất có giá trị của Intel mặc dù cả TSMC và Samsung đều không phải là công ty Trung Quốc.

Intel cũng cho biết xưởng đúc của họ sẽ là một doanh nghiệp riêng biệt với bảng cân đối kế toán riêng, một cách tiếp cận mà Samsung đã sử dụng thành công để đạt được hiệu quả tốt trong cả ngành công nghiệp màn hình và NAND. Đối với các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm, Google và Microsoft, cả 3 hãng đang thiết kế chip nền ARM của riêng mình, việc hợp tác với Intel sẽ là một chiêu PR tuyệt vời và có thể cải thiện chuỗi cung ứng, cả về độ tin cậy và bảo mật bất chấp rằng TSMC và Samsung đều đang mở rộng nỗ lực xây dựng xưởng đúc tại Mỹ của họ. 

Trong suốt thập kỷ tôi làm việc trong lĩnh vực báo chí công nghệ, Intel đã liên tục không thực hiện được những lời hứa của mình. Là một nhà văn, điều đó thật khó khăn, vì tôi luôn cảm thấy cần phải chuyển tải bất kỳ câu chuyện nào của Intel bằng hai từ "nếu" và "nhưng". Trong trường hợp với tư cách là một người tiêu dùng, một game thủ đam mê PC và chủ sở hữu CPU AMD hiện tại, tôi nghĩ bản thân khó có thể quay trở lại sử dụng sản phẩm của Intel, ít nhất là ở hiện tại.

Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói rằng Intel sẽ quay trở lại? Có thể ý kiến của tôi vẫn sẽ gặp phản đối nhưng thực tế là ngay cả các đối tác lớn của Intel như Apple, ASUS, Dell và Lenovo đều cảm thấy được điều này. Tất cả những công ty này phải tự cứu lấy mình trước khi họ bị "nhấn chìm" bởi những thất bại công nghệ của Intel trong những năm gần đây. Ngay cả khi Intel bắt kịp về mặt công nghệ, họ sẽ cần phải thuyết phục các khách hàng tiềm năng rằng mình là công ty có đủ độ tin cậy để hợp tác và cùng phát triển lâu dài. 

Ngành bán dẫn cần sự trở lại của Intel

Con đường mà gã khổng lồ sản xuất chip của Mỹ chọn không phải là con đường dễ dàng nhất nhưng họ tạo ra niềm tin rằng nếu nó được thực thi đúng cách thì họ sẽ sớm trở lại vị trí thống trị. Bên cạnh đó, Intel cũng đang có những điều kiện thuận lợi thực hiện dự án này. Về mặt chính trị, Mỹ đang khuyến khích lao động tham gia vào làm việc trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp chất bán dẫn. Về phía ngành bán dẫn, ngay cả khi TSMC có thể đáp ứng nhu cầu bán dẫn của toàn ngành, thị trường vẫn cần nhiều công ty tham gia để giữ giá trong tầm kiểm soát và liên tục thúc đẩy đổi mới.

Thứ nhất, AMD, NVIDIA, Qualcomm và thậm chí cả Apple hiện đang có dấu hiệu "lười" nâng cấp công nghệ, do đó, Intel sẽ là một chất xúc tác mạnh mẽ giúp họ có động lực nghiên cứu ra những CPU cũng như GPU ưu việt hơn. Tiếp đến, tình trạng khan hiếm chip toàn cầu đang khiến các sản phẩm như máy chơi game console, CPU, GPU đời tiếp theo tăng giá bán nhiều lần so với giá trị của chúng. Do đó, sự hồi sinh của Intel sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chúng ta không rơi vào tình trạng này một lần nữa. Một Intel mạnh mẽ là chính xác những gì thế giới công nghệ cần ngay bây giờ.

(Theo VnReview)