Nếu nói về mức độ giải trí, có lẽ ít thể loại game nào qua được xếp hình (puzzle) bởi tính đơn giản, dễ chơi và giá trị chơi lại cực cao dù cách chơi có thể không thay đổi suốt cả chục năm qua.

Thế hệ 8x, 9x đời đầu hẳn sẽ không quên được món đồ chơi ghép hình (sliding puzzle) xuất xứ Trung Quốc với đủ loại hình thù được bán trước cổng trường học ngày đó. Khi đó, trẻ em phải tìm cách sắp xếp đảo vị trí các miếng ghép sao cho cuối cùng tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh.

{keywords}
Những trò xếp hình được trẻ em thế hệ 8x, 9x đời đầu yêu thích nhất ngày xưa.

Theo thời gian, với làn sóng trò chơi điện tử tràn vào nước ta, các game xếp hình đầu tiên đã du nhập vào Việt Nam thông qua máy chơi game cầm tay nổi tiếng Brick Game, GameBoy rồi đến điện tử tay cầm như NES (4 nút), SNES (đĩa mềm). Ngày đấy, chỉ cần nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào cầm trên tay một cái máy màu vàng phát ra những giai điệu vui tai lặp đi lặp lại, chắc chắn đứa trẻ đó đang chơi xếp hình Tetris.

Tetris có thể xem là kẻ khơi thông trào lưu xếp hình và tạo ra một cơn sốt kéo dài đến suốt cuối thập niên 90s. Giai đoạn thập niên 2000 khi quán điện tử bắt đầu mọc lên nhan nhản, sự đơn giản của Tetris bắt đầu phải nhường chỗ cho các hiện tượng mới mang tên Bejeweled, hay còn gọi là xếp kim cương và Dynomite, hay còn gọi là xếp hình bắn trứng khủng long. 

Đến đầu thập niên 2010, khi điện thoại di động ngày càng mạnh hơn về mặt cấu hình, thể loại xếp hình bắt đầu tìm đường len lỏi lên iOS và Android với những biến thể như xếp hình nhập vai, xếp hình giải đố, xếp hình trượt. Trong đó, nổi lên những cái tên đã làm mưa làm gió suốt cả thập kỷ qua như Puzzle & Dragons, Candy Crush Saga...

Đầu tiên phải nói đến thành công rực rỡ của Puzzle & Dragons năm 2013 đã mở đường cho thể loại xếp hình nhập vai (chủ yếu của Nhật) ngập tràn Play Store và App Store. Đến nay, Puzzle & Dragons vẫn duy trì được vị trí thứ 3 trong số các game mobile doanh thu cao nhất lịch sử với 7,7 tỷ USD, chỉ sau Liên Quân Mobile (7,8 tỷ USD). Đứng đầu không ai khác chính là Monster Strike (8,2 tỷ USD), một game nhập vai bắn trứng đến từ Nhật Bản.

{keywords}
Candy Crush Saga ngày đó đã tạo ra cơn bão mời gọi chơi trên Facebook.

Cùng thời điểm đó, dù không có được thành công lớn về mặt doanh thu, nhưng một số game mobile xếp hình khác lại tạo ra được sức hút và ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tiêu biểu nhất phải kể đến Candy Crush Saga, hiện tượng kẹo ngọt từng gây sốt với đỉnh cao 600 triệu lượt chơi mỗi ngày và một thời khiến người Việt ‘điên đầu’ vì suốt ngày nhận được thông báo mời chơi qua Facebook. Trò chơi này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho game xếp hình ghép ba (match 3 puzzle) kể từ thời huy hoàng của xếp kim cương Bejeweled hồi thập niên 2000.

Cũng có được sức hút ở phạm vi toàn cầu phải kể đến hiện tượng 2048, game xếp hình trượt với những con số và cách chơi vô cùng mới lạ: ghép hai số giống nhau để tạo thành số lớn hơn. Mặc dù ý tưởng gốc thuộc về Threes của nhóm nhà phát triển người Mỹ, 2048 đã được lan truyền tự nhiên trên mạng và tạo ra cơn sốt lớn vào năm 2014 dù người tạo ra nó chỉ làm trong đúng 1 tuần lễ và không hề có ý định kiếm tiền từ game này. 

{keywords}
Ngày nay xếp hình Tetris trở thành một giải đấu rất được quan tâm.

Tất nhiên, nói đến xếp hình, thật thiếu sót khi không nhắc đến khối rubik, một trò xếp hình giải đố cơ học được phát minh từ những năm 1974 và vẫn còn phổ biến đến tận ngày nay. Thậm chí, người ta còn tổ chức các cuộc thi xem ai giải khối rubik nhanh nhất và ngày nay có rất nhiều kỷ lục như giải khối rubik bằng một tay, bịt mắt giải khối rubik, dùng máy móc để giải khối rubik…

Tương tự, một cuộc thi để tìm kiếm nhà vô địch xếp hình Tetris cũng được tổ chức thường niên từ năm 2010 đến nay ở Mỹ. Nhà vô địch thường xuyên của giải đấu này là lão tướng Jonas Neubauer (SN 1981), nhưng gần đây anh đã bị lớp trẻ qua mặt với ba mùa gần nhất phải chứng kiến Joseph Saelee (SN 2002) và Michael Artiaga (SN 2007) lật đổ sự thống trị.

Ngày nay, xếp hình vẫn là một thể loại không thể thiếu của ngành game, nhưng nó đã không còn đứng ở vị trí trung tâm của vũ đài này, mà phải nhường chỗ cho những trào lưu như battle royale hay MOBA.

Phương Nguyễn

Cơ hội nào cho ngành công nghiệp game Việt Nam vươn ra thế giới?

Cơ hội nào cho ngành công nghiệp game Việt Nam vươn ra thế giới?

Nhiều ngành nghề được thúc đẩy phát triển trong kỷ nguyên chuyển đổi số giữa mùa Covid-19, nhưng ngành game của Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi này.