Thành công của Toyota không diễn ra “bất thình lình”, nó là kết tinh của thiết kế chất lượng, sáng tạo không ngừng và những bước đi táo bạo. Từ nguyên mẫu đầu tiên đến dòng xe mới nhất, Toyota luôn tập trung làm cho sản phẩm của mình tốt nhất.

{keywords}
Ông Eiji Toyoda tại nhà máy liên doanh với Genera Motors năm 1985. (Ảnh: AP)

Năm 1933, Kiichiro Toyoda tới châu Âu và Mỹ, nơi ông ghé thăm một số nhà máy sản xuất xe hơi. Sau khi trở về Nhật Bản, doanh nhân trẻ mở bộ phận ô tô bên trong công ty sản xuất máy dệt Toyoda Loom của cha mình. Tháng 5/1935, nguyên mẫu xe hơi đầu tiên ra đời.

Toyoda xuất phát muộn hơn 50 năm so với các đối thủ từ Mỹ và 100 năm so với các đối thủ châu Âu. Khi đó, General Motors và Ford cũng có các nhà máy tại Nhật Bản, song sự thống lĩnh của họ trên thị trường xe hơi toàn cầu không khiến Toyoda nhụt chí. 

Do tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Toyoda chủ động phát triển các động cơ và phương tiện tiết kiệm nhiên liệu. Năm 1936, công ty Toyoda đổi tên thành Toyota. Năm 1939, công ty mở một trung tâm nghiên cứu để bắt đầu nghiên cứu xe chạy pin. Năm 1940, Trung tâm nghiên cứu khoa học Toyota và Toyota Works được thành lập. Năm tiếp theo, Toyota Machine Works hình thành, chuyên sản xuất máy công cụ và phụ tùng ô tô.

Khi Thế chiến II kết thúc tháng 8/1945, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đều bị tàn phá. Toyota cũng vậy, họ có 3.000 nhân viên nhưng không có nhà máy. Kinh tế Nhật Bản thực sự tồi tệ. Tuy nhiên, truyền thống cống hiến và bền bỉ của người Nhật chính là công cụ đắc lực nhất của Toyoda trong công cuộc tái thiết khó khăn.

Khi ngành xe hơi Nhật Bản nói chung bắt đầu hồi phục, họ lại lo ngại các nhà sản xuất Mỹ và phương Tây sẽ chiếm trọn thị trường trong nước với tiềm lực kinh tế và công nghệ ưu việt. Họ hiểu rằng không thể phụ thuộc vào bảo hộ của chính phủ dưới hình thức thuế nhập khẩu cao hay các rào cản khác như trước chiến tranh nữa.

Do đối thủ phương Tây tập trung vào xe cỡ lớn và cỡ trung, các lãnh đạo Toyota cho rằng họ nên chuyển sang xe cỡ nhỏ để tránh đối đầu trực diện. Tháng 1/1947, các kỹ sư công ty hoàn thành nguyên mẫu xe cỡ nhỏ đầu tiên với tốc độ tối đa 54 dặm/giờ. Sau hai năm khó khăn, dường như Toyota có thể nếm hương vị thành công.

Song, mọi thứ không suôn sẻ như vậy. Năm 1949, Toyota xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa người lao động và quản lý. 4 năm sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa khá lên. Các nhà sản xuất xe hơi trong nước không thể huy động nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Tình hình tài chính của Toyota cũng xấu đi, đứng bên bờ phá sản và giải thể. Cuối cùng, ban lãnh đạo và người lao động thống nhất giảm nhân sự từ 8.000 xuống 6.000, dưới hình thức tự nguyện. Chủ tịch Kiichiro Toyoda và cộng sự từ chức. Chưa đầy hai năm sau, ông qua đời.

Không lâu sau khi nội bộ ổn thỏa, hai lãnh đạo mới của Toyota – Eiji Toyoda và Shoichi Saito – đến Mỹ. Nhằm tìm kiếm ý tưởng mới cho công ty, họ đi thăm các nhà máy của Ford và quan sát công nghệ xe hơi tiên tiến nhất. Nhờ đó, hệ thống Toyota Suggestion System ra đời, nơi mọi nhân viên được khuyến khích đưa ra gợi ý để cải thiện mọi lĩnh vực.

Một chính sách quan trọng hơn cả được kích hoạt chính là cam kết đầu tư vào các cơ sở hiện đại nhất, làm chìa khóa cho tiến bộ trong công suất và chất lượng. Toyota tăng tốc nhanh chóng vào thập niên 50, đầu tư vào trang thiết bị mới cho tất cả nhà máy. Không ngạc nhiên khi họ hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất ngay lập tức.

Năm 1955, Nhật Bản trở thành thành viên của Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) nhưng ô tô vẫn là ngành kém cạnh tranh nhất trên trường quốc tế. Toyota nhìn thấy trước thời kỳ tự do hóa vốn và thương mại quốc tế quy mô lớn tại Nhật Bản, do đó quyết định tập trung vào giảm chi phí sản xuất và phát triển những chiếc xe tinh vi hơn nữa, đồng thời đạt chất lượng cao nhất có thể.

Đây là nỗ lực đòi hỏi sự phối hợp giữa các nhà cung ứng phụ tùng độc lập cho Toyota. Nó thành công đến nỗi vào năm 1965, Toyota được trao Giải thưởng Deming vì những thành tựu trong kiểm soát chất lượng. Đó cũng là năm chính phủ Nhật Bản tự do hóa nhập khẩu xe chở khách. Giờ đây, Toyota sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ ngoại cả về giá và chất.

Không ngừng cải tiến

“Ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay” là triết lý ăn sâu vào máu của Toyota. Trải qua những khó khăn của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, công ty vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ là nhờ sự lạc quan có phần “cả tin” này.

Toyota nổi tiếng toàn cầu với Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS) nhưng ít ai biết được TPS không xuất hiện ngay từ đầu. Nó được tạo ra để đối phó với những mối đe dọa mà Toyota gặp phải. Để hiện thực triết lý “Ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, Toyota áp dụng “kaizen”, một từ tiếng Nhật có ý nghĩa “không ngừng cải tiến”. Sinh thời, Chủ tịch Toyota Kiichiro Toyoda cũng nhắc đến điều đó: “Chúng ta nỗ lực để làm ra sản phẩm tốt hơn nhờ cải thiện từng ngày”. Tinh thần của kaizen chính là dù công ty lớn tới đâu, vẫn mang thái độ của một doanh nghiệp nhỏ, luôn khao khát, luôn cháy hết mình, học hỏi những điều mới và tạo ra sự khác biệt.

Kaizen giải thích vì sao Toyota liên tục và kiên trì thử nghiệm, không bao giờ thỏa mãn với bất kỳ điều gì dù đã đạt địa vị cao. Cựu Phó Chủ tịch Toyota Tokuichi Uranishi từng nói: “Nếu chúng ta thỏa mãn với hiện tại, mọi thứ sẽ đi sai hướng”. 

Mẫu xe hơi đầu tiên của Toyota xuất sang Mỹ là 1957 Crown, đánh dấu mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp với tài xế Mỹ. Những năm 1960 là thời kỳ Toyota tăng trưởng mạnh, bắt đầu xuất khẩu xe hơi sang châu Âu. Doanh số Toyota cũng bùng nổ tại Australia. Lần lượt các mẫu xe sau này của Toyota được đón nhận nồng nhiệt, đó là chiếc xe thể htao Sports 800, Corolla… Đến năm 1970, Toyota đã xuất khẩu 1 triệu xe trên toàn cầu, thực sự ghi dấu ấn trên thị trường xe hơi thế giới.

Công ty mở thêm nhiều nhà máy để đáp ứng nhu cầu tăng không ngừng. Thập niên 80, mẫu xe Camry ra đời. Năm 1989, Toyota mở thêm thương hiệu hạng sang Lexus và chỉ sau hai năm, Lexus là thương hiệu xe sang nhập khẩu lớn nhất tại Mỹ.

Toyota làm nên lịch sử vào năm 2008 khi vượt qua General Motors (GM) trở thành nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới. Đó là lần đầu tiên trong 77 năm, một tên tuổi khác không phải GM nắm giữ vị trí này. Năm 2008, doanh số xe Toyota là 8,9 triệu, cao hơn 8,35 triệu của GM. Năm 2020, Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp xe hơi, Toyota cũng không phải ngoại lệ. Dù doanh số giảm 11,3% xuống còn hơn 9,5 triệu xe, công ty vẫn đủ sức lấy lại danh hiệu đầu bảng từ tay Volkswagen.

Toyota vượt qua năm đầu đại dịch tương đối thành công khi lợi nhuận năm tài khóa 2020 tăng 10,3%, đạt 2,25 nghìn tỷ yen. Không chỉ có vậy, hãng xe Nhật Bản còn chống đỡ được cuộc khủng hoảng bán dẫn khiến ngành ô tô điêu đứng. Điều này nhờ vào bài học quản lý hàng tồn kho từ các sự kiện trước đây như khủng hoảng tài chính 2008 hay thảm họa kép 2011 tại Nhật Bản.

Và đúng với tinh thần của cố Chủ tịch Kiichiro Toyoda, người phát ngôn Toyota khẳng định: “Trọng tâm của chúng tôi không phải là thứ hạng mà là phục vụ khách hàng”.

Du Lam

Toyota hé lộ tham vọng với xe điện

Toyota hé lộ tham vọng với xe điện

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản tuyên bố sẽ bán 3,5 triệu chiếc xe điện chạy pin trên toàn cầu vào năm 2030 và đưa Lexus thành thương hiệu xe điện vào năm 2035.