Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phát đi Phiếu khảo sát hiện trạng và xu hướng tiêu thụ máy tính để bàn cho các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối PC trên cả nước. 

Thông qua việc khảo sát giá thành sản phẩm, công suất danh định, xuất xứ, chủng loại và một vài thông số khác, Vụ sẽ tiến hành các bước cần thiết trước khi ban hành tiêu chuẩn và thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm này. Phiếu khảo sát được đề nghị gửi về Vụ trước ngày 16/11.

{keywords}
Máy tính để bàn cũng có thể được dán nhãn năng lượng (hình ảnh mang tính minh họa)

Thị trường máy tính để bàn bắt đầu hình thành ở Việt Nam từ khoảng cuối thập niên 90 và nở rộ mạnh mẽ trong khoảng thập niên 2000. Ngày nay, với sự bùng nổ của các thiết bị di động, thị trường PC dần ảm đạm và chỉ chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ nhờ dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới nhu cầu học tập giải trí tại nhà tăng cao.

Dù vậy, máy tính nói chung vẫn là một thiết bị ngốn điện năng và có thời gian sử dụng tương đối dài. Trung bình mỗi chiếc máy có công suất khoảng trên dưới 200W với thời gian hoạt động tại văn phòng thường kéo dài 6 - 8 tiếng, tương đương 12 - 16 số điện tiêu thụ. 

Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc đã được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2013, áp dụng trên nhiều sản phẩm điện tử điện lạnh, đồ gia dụng. Kể từ ngày 01/01/2020, toàn bộ các loại máy tính xách tay bán ra thị trường phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Còn các loại máy in, máy photocopy và màn hình máy tính hiện được khuyến khích dán nhãn tự nguyện.

Mục tiêu của Chương trình này là tiết kiệm tích lũy tiêu dùng khoảng 480 triệu USD, tương đương sẽ giảm được 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Nhờ đó, lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than công suất 500 MW (tương đương 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện).

Phương Nguyễn

Nhãn năng lượng là gì, vì sao cần phải dán nó?

Nhãn năng lượng là gì, vì sao cần phải dán nó?

Dán nhãn năng lượng là chương trình được triển khai tự nguyện từ năm 2008, giúp tuyên truyền phổ biến kiến thức đến người dân về các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.