Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vừa một lần nữa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ trong phát biểu khép lại Diễn đàn lần thứ tư – năm 2022.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long. (Ảnh: Đình Tùng/VNE)

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng được chúng ta kỳ vọng nhiều nhất, với mong muốn Việt Nam có thay đổi thứ hạng, nâng cao đời sống của người dân và phát triển đất nước.

Bộ TT&TT phát động tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là muốn khơi dậy tinh thần Việt Nam để chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

“Tại diễn đàn, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển", Thứ trưởng nói.

Trong Diễn đàn lần thứ tư với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, nhiều giải pháp công nghệ số, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các doanh nghiệp chia sẻ.

Đánh giá cao kinh nghiệm của các doanh nghiệp, tuy nhiên Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng lưu ý, các bài toán của đất nước cần được nghiên cứu nhiều hơn. Đơn cử như, trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, giải pháp của Công ty Rynan rất hay, nhưng bài toán cần nhiều hơn thế, để giải trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, chứ không phải là những cánh đồng lớn.

Hay như việc giải những bài toán của đất nước trong bối cảnh COP26 – chuyển đổi xanh. Bài toán của Việt Nam hiện nay là còn nhiều hệ thống cũ, tiêu tốn năng lượng. Đây là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp công nghệ số phải cùng với nhau để giải.

“Chẳng hạn, bài toán của năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng cần giải được trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Giải pháp đã có, song với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam thì cần chúng ta có sự bàn bạc, chia sẻ kỹ hơn để có thể áp dụng. Các doanh nghiệp cần đi với nhau thành một cộng đồng", Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phát triển bền vững, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, và hãy lấy thị trường trong nước là cái nôi để bước ra nước ngoài.

Ông Peter Huỳnh, Tổng giám đốc Sun Electronics Group đặt câu hỏi cho đại diện Bộ TT&TT (Ảnh: Đình Tùng/VNE).

Tại phiên thảo luận “Kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam và nước ngoài” chiều ngày 8/12, trả lời câu hỏi của ông Peter Huỳnh, Tổng giám đốc Sun Electronics Group, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, thị trường và nguồn nhân lực là 2 yếu tố quan trọng để công nghiệp ICT, công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển. Vai trò của Bộ TT&TT với lĩnh vực công nghiệp ICT, công nghiệp điện tử là kết nối cung cầu, kết nối trong và ngoài nước, trong nước với trong nước để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và ngành.

Đặc biệt nhấn mạnh yếu tố nguồn nhân lực, Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn đi vào lĩnh vực công nghệ, muốn vậy phải có con người. Việt Nam hiện có nhiều kỹ sư ở Silicon Valley. Và để đưa họ về nước thì cần phải có cơ thế để thu hút nhân tài.

Với vấn đề nguồn nhân lực đang thiếu, trong khi nhu cầu bùng nổ nhưng các trường đại học hiện chỉ đào tạo được phần nhỏ. Vì thế, các doanh nghiệp có thể đưa ra cơ chế nếu học lấy được bằng thì sẽ hỗ trợ việc làm. Nếu không có công nghệ, không được đào tạo thì sẽ khó có nhân lực chất lượng cao.

Tham gia thảo luận tại Diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, khoảng 6 - 7 năm gần đây, ngành sản xuất công nghiệp điện tử đã có những bước tiến vượt bậc. Đơn cử, nếu như năm 2016, Việt Nam không có đơn vị nào nhà cung ứng cấp 1 của Samsung thì đến nay có hơn 200 nhà cung ứng, trong đó có 50 đơn vị là nhà cung ứng cấp 1.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương cùng các diễn giả thảo luận về giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh: Đình Tùng/VNE)

Bà Hương cũng cho biết, qua 6 - 7 năm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển không ngừng: “Khi trở thành nhà cung ứng của các ông lớn công nghệ, các doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh khốc liệt với các nhà cung cấp khác. Kết thúc 1 ngày, 1 tuần làm việc, chúng tôi đều phải xem xét, đánh giá lại. Qua quá trình đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng”.

Từ góc độ của người đã có nhiều năm làm việc tại nước ngoài, ông Peter Huỳnh cho rằng, có 3 vấn đề cốt lõi để phát triển: “Đầu tiên, con người là nền tảng quan trọng nhất. Thứ hai là kinh nghiệm. Nếu doanh nghiệp có nhân sự, kinh nghiệm thì yếu tố cuối cùng để thu hút đối tác là cơ sở vật chất. Để đưa sản phẩm ra thế giới và được chấp nhận, Việt Nam phải chứng minh sản phẩm có sức cạnh tranh”.