Tại Kiên Giang, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lại do hoàn lưu bão gây ra gió mạnh, dông, sét. Năm 2022 thiệt hại do thiên tai là hơn 16 tỷ đồng, 5 người chết, 4 người bị thương, sập 122 ngôi nhà, tốc mái 522 căn nhà. 

Năm 2023, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 và số 2, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra mưa lớn, dông lốc khiến 1 người chết, 17 người bị thương, 459 căn nhà sập và tốc mái, 12 phương tiện tàu, thuyền bị chìm. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm vào mùa khô, các địa phương trong tỉnh còn đối diện với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Nhằm nâng cao năng lực chủ động phòng ngừa và ứng phó với các bất thường của thời tiết, tỉnh Kiên Giang đã kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy các cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. 

kien giang.png
Mưa lớn tại Phú Quốc diễn biến bất thường. Ảnh: Phương Anh. 

Về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Hiện nay, các phòng trực ban chỉ huy đều được trang bị thiết bị, kỹ thuật kết nối trực tuyến với địa phương.

Văn phòng thường trực ban chỉ huy tỉnh đang áp dụng phần mềm WebGis cập nhật tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh, còn lại các dữ liệu đo mực nước ở các trạm thủy văn, số liệu đo mặn, số liệu tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hiện nay, Kiên Giang xây dựng hệ thống cảnh báo để hỗ trợ đưa ra các quyết định ứng phó với phòng chống thiên tai. Tỉnh có 8 trạm khí tượng thủy văn, 6 điểm đo mặn, 25 trạm đo mực nước kết hợp với đo mưa tự động, 8 trạm đo mưa tự động. 

Tuy nhiên, Kiên Giang chưa được đầu tư xây dựng trạm đo thủy văn chuyên dùng và trang bị xây dựng trạm cho nên còn gặp khó khăn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai gây ra. Hằng năm, hầu hết các cấp đều cập nhật dữ liệu theo dạng thủ công và lưu trữ file.

Kiên Giang thực hiện phương châm 4 tại chỗ gắn với xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, củng cố nâng cao năng lực hoạt động của các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Toàn tỉnh có 145 xã, phường, thị trấn đều có tổ xung kích phòng chống thiên tai với hơn 13 nghìn người tham gia. Các đội xung kích này được trang bị thiết bị như ca nô, tàu cứu nạn, vỏ máy, xuồng máy, máy bơm, bộ đàm, phao tròn, phao bè… sẵn sàng ứng phó vói các tình huống thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, các thành viên đội xung kích sẽ được tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai, cứu nạn. 

Qua công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn những năm qua, Kiên Giang đã tổ chức thực hiện tốt 4 tại chỗ, tăng cường thông tin về phòng chống thiên tai và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên tất cả các cấp, ngành trong tỉnh. Duy trì thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh tới trung ương và địa phương. 

Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, tỉnh Kiên Giang tiếp tục dành hơn 1.220 tỉ đồng đề thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phương Anh