icon icon

Năm 2022, số lượng doanh nghiệp bưu chính mới gia nhập thị trường tăng 12%, và chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát, đặc biệt là chuyển phát cho thương mại điện tử, được cải thiện nhờ ứng dụng công nghệ. Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2025, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân, hỗ trợ việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. 

Ngày 9/11/2022, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.

Năm 2022, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xóa các vùng lõm sóng nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số và nâng tỉ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%. 

Trong năm 2022, Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng thực hiện kế hoạch ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và quản lý thông tin thuê bao di động, quản lý SIM tồn trên kênh phân phối nhằm ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác.  

Bộ TT&TT cũng đưa ra lộ trình dừng công nghệ 2G và đặt ra mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ này chậm nhất đến thời điểm tháng 9/2024. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị điều kiện để cấp phép băng tần nhanh chóng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G. Bộ TT&TT cũng đưa ra các biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.

Bộ TT&TT cũng đưa ra mục tiêu năm đến 2025 sẽ chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số để mỗi người có một danh tính số trên không gian mạng.

Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và Thủ tướng đã đưa ra thông điệp của Chính phủ nhân sự kiện này.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà

Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chỉ thị này đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách cần được các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực triển khai trong năm 2022, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển Chính phủ số.

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” để thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tổ chức công bố các nền tảng số, sự kiện, hoạt động phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia (dx.gov.vn). 

Bộ TT&TT cũng thúc đẩy phát triển tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân sử dụng các công nghệ số.

Năm 2022, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thể hiện rõ quan điểm an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam, yêu cầu các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tổ chức đội ứng cứu sự cố theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu và chủ động ứng phó trước xu thế tấn công mạng, qua đó giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng. 

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản thông qua sử dụng các nền tảng Make in Vietnam để bảo vệ người dân trên không gian mạng trước các nguy cơ, mối đe dọa về an toàn thông tin và lừa đảo trực tuyến. Tạo niềm tin số để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng lên môi trường mạng, tạo thành công cho chuyển đổi số.

Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Định hướng 2024 – 2025, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt 20% GDP và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Ước tính đóng góp của kinh tế số cho GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.

Bộ TT&TT đã xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm quán triệt, nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển đất nước và định hướng cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu - sản xuất thiết bị 5G cũng được đẩy mạnh, đưa chất lượng dịch vụ mạng 5G cung cấp bởi các thiết bị được nghiên cứu sản xuất trong nước tương đương với sản phẩm nước ngoài.

Năm 2022, Bộ TT&TT đã  thành lập “Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí”, xây dựng Đề án hỗ trợ một số cơ quan báo chí ảnh hưởng lớn nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn trong hoạt động cơ quan báo chí, đồng thời, thể hiện vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước, song hành cùng báo chí để hỗ trợ, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, phát huy vai trò sứ mệnh của mình.

Năm 2022, Bộ TT&TT đã ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Bộ Tiêu chí giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông.

Năm qua, Bộ TT&TT đã siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam và tiến hành làm việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới.

Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam trở thành nền tảng số có số lượng người dùng Việt Nam tương đương với nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trong nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường. Tăng doanh thu ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước đạt 600 triệu USD.

Bộ TT&TT đã phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, hình thành nền tảng dùng chung cho 8 nhà xuất bản, đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản điện tử đạt 25% trong năm 2022. Hiện nay, đã có 18 nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, đạt 31,58% tổng số nhà xuất bản, vượt chỉ tiêu đặt ra 25%. Về phát triển phát hành điện tử, đã có 13 doanh nghiệp hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Đang triển khai dự án xã hội hóa, phát triển phần mềm hỗ trợ nộp xuất bản phẩm lưu chiểu, hình thành nền tảng dùng chung cho 11 nhà xuất bản. Mục tiêu đến 2025 sẽ chuyển từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử và đạt tỷ lệ bản sách/người, đạt 5,5-6,0 bản sách/người/năm.

Thái Khang 

Thiết kế: Hồng Anh

Ảnh: Thái Khang, Lê Anh Dũng

Thái Khang

Xem các bài viết của tác giả
Đi đến trang sự kiện