Trên WeChat, ông Richard Yu Chengdong – Giám đốc bộ phận Xe và Tiêu dùng của Huawei – viết: “Nếu Thượng Hải không thể phục hồi sản xuất trước tháng 5, tất cả các công ty công nghệ và công nghiệp có chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn, đặc biệt là ngành ô tô. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng và tổn thất lớn cho toàn ngành”.

Bình luận từ lãnh đạo cấp cao Huawei – hãng công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc – cho thấy căng thẳng ngày một tăng khi nước này cố gắng loại bỏ Covid-19 bằng cách phong tỏa Thượng Hải. Thượng Hải là trung tâm tài chính quan trọng và quê hương của cảng containter lớn nhất thế giới. Do đó, các nhà kinh tế học cảnh báo nếu phong tỏa tiếp diễn, nền kinh tế lớn nhất châu Á và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải gánh trên vai chi phí khổng lồ.

{keywords}
Cảng nước sâu Dương Sơn tại Thượng Hải, trung tâm tài chính và thương mại quan trọng của Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Những ngày gần đây, Bắc Kinh liên tục lặp lại kế hoạch khống chế Covid-19 khi số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh tại Thượng Hải bất chấp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Trong một bản tin trên đài truyền hình quốc gia, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục các quan chức không được nới lỏng các biện pháp quản lý dịch bệnh. Ông khẳng định con người và mạng sống là trên hết và cần vượt qua suy nghĩ chán nản, mệt mỏi.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ cần Thượng Hải phong tỏa riêng tháng 4, thành phố này mất 6% GDP, tương ứng 2% GDP cả nước. Nó sẽ kéo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 4,6%, theo Iris Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ING. Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm “khoảng 5,5%”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Đại học Trung văn Hồng Kông ước tính lockdown tại Trung Quốc sẽ gây thiệt hại ít nhất 35 tỷ bảng Anh/tháng. Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết dữ liệu GPS chỉ ra việc đi lại của người dân đã giảm mạnh. Tính đến ngày 12/4, chỉ số này giảm 29% so với năm 2019, sụt giảm tại 24 tỉnh thành. Theo bà García-Herrero, tình hình đáng báo động đối với các nhà sản xuất tại Thượng Hải, Giang Tô và Cát Lâm – trung tâm của xe hơi, đồ điện tử và bán dẫn.

Lockdown gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, tăng thêm áp lực lạm phát do nguồn cung hàng hóa bị cắt đứt. Các báo cáo trong tuần cho biết gần 500 tàu chở hàng đã neo đậu ngoài khơi Thượng Hải do cảng phải vột lộn với việc xử lý. Từ khi Thượng Hải và Cát Lâm tiến hành phong tỏa, cổ phiếu của các nhà sản xuất bán dẫn và xe hơi giảm giá nghiêm trọng. Nó cũng sẽ tác động đến người dùng cuối.

Tuần này, Pegatron – đối tác sản xuất lớn của Apple – phải dừng hoạt động tại 2 nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn. Công ty nói sẽ hợp tác với nhà chức trách và cố gắng khôi phục nhanh nhất có thể. Trước đó, Foxconn – một đối tác lớn khác của “táo khuyết” – cũng ngừng sản xuất tại Thâm Quyến vào đầu tháng 3 nhưng sau đó phục hồi cơ bản vào cuối tháng.

Tình hình tại Thượng Hải khiến ngành công nghiệp thêm bất ổn kể từ đầu đại dịch. Hơn nữa, gián đoạn tại các cảng đẩy doanh nghiệp vào một kịch bản xấu hơn: hết hàng. “Nếu chính phủ kéo dài phong tỏa, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tăng và doanh nghiệp có thể phải dùng đến hàng tồn kho. Nếu Quảng Đông – nơi đóng góp từ 13% đến 15% sản lượng chip và xe hơi tại Trung Quốc – cũng đóng cửa, cú sốc nguồn cung chỉ trở nên tồi tệ hơn”, bà García Herrero cảnh báo.

Du Lam (Theo The Guardian)

Apple trở thành ngoại lệ ở Trung Quốc

Apple trở thành ngoại lệ ở Trung Quốc

Theo dự đoán của các chuyên gia, lượng smartphone xuất xưởng trong quý II/2022 ở Trung Quốc sẽ giảm tới 20% so với cùng kỳ 2021. Apple có thể là ngoại lệ.