Nguồn tin của Bloomberg cho hay thoả thuận mới đã đạt được vào cuối tuần trước, sẽ mở rộng thêm phạm vi kiểm soát cũng như gia tăng sức mạnh đáng kể cho những biện pháp mà Mỹ đang áp đặt với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đúc chip có trụ sở tại 2 quốc gia đồng minh, bao gồm ASML Holding, Nikon Corp và Tokyo Electron.

Mỹ có thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Ảnh: NikkeiAsia

Tuần qua, quan chức Hà Lan và Nhật Bản đã tới Washington để thảo luận về hàng loạt vấn đề với cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan.

John Kirby, người phát ngôn phụ trách vấn đề an ninh quốc gia cho biết các bên đã thảo luận về những vấn đề “quan trọng đối với cả 3 nước”. “Việc đảm bảo an toàn và bảo mật cho các công nghệ mới nổi là một trong những nội dung trong chương trình làm việc”, Kirby nói.

Việc thuyết phục thành công Hà Lan và Nhật Bản đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc được coi là một chiến thắng ngoại giao lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã công bố hàng loạt lệnh cấm vận nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ sản xuất chip tiên tiến, với mục tiêu kìm hãm sự tiến bộ về công nghệ và quân sự của nước này.

Đến nay, nội dung cụ thể của thoả thuận vẫn chưa được công bố công khai.

Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Hà Lan, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đều từ chối bình luận. Trong khi đó, lãnh đạo của những doanh nghiệp bị tác động bởi thoả thuận này, Nikon và Tokyo Electron cũng không đưa ra bình luận chi tiết.

Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng ông chưa quyết định có nên công khai kết quả của những cuộc thảo luận với Mỹ liên quan các lệnh cấm vận mới nhằm vào lĩnh vực bán dẫn hay không.

Thế Vinh (Theo Nikkei Asia)