Dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện. 

Đây là nơi để lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số. Qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng. 

Diễn đàn không chỉ gắn với công tác xây dựng Báo cáo giám sát 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị mà còn là hoạt động thiết thực của Ban Kinh tế Trung ương, NHNN Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Trọng Đạt)

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương - ông Trần Tuấn Anh, ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngành ngân hàng có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ trong việc thực hiện chuyển đổi số

Chuyển đổi số thành công thể hiện từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn. Ngân hàng cũng được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt)

Điều này được thể hiện qua số liệu thực tế như nhiều dịch vụ ngân hàng (mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm…) đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số.

Các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm hiện đạt hơn 90%, nhiều ngân hàng Việt Nam có hơn 90% giao dịch trên kênh số.

Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn. Điều này cho thấy ngành ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng, bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng.

Trọng Đạt