Đàm phán giữa các bên được kỳ vọng kết thúc trong ngày 27/1, với việc Hà Lan đưa ra phán quyết cấm công ty ASML Holding NV bán máy móc phục vụ chế tạo một số loại vi xử lý tiên tiến nhất định sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Seiji Kihara, Phó chánh văn phòng nội các, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản cho hay, nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp “thích hợp” dựa trên động thái pháp lý của Mỹ và một số quốc gia khác.

Nhật Bản và Hà Lan là yếu tố quyết định tới hiệu quả các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Hà Lan đã từ chối bình luận về các thông tin trên. Trước đó, Thủ tướng Mark Rutte từng nói rằng ông hi vọng đạt thoả thuận với Mỹ cùng các đồng minh về những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, tuy nhiên quốc gia “hoa tuylip” sẽ không đơn thuần áp dụng các quy tắc của Washington.

Sự hợp tác của Nhật Bản và Hà Lan là yếu tố quyết định tới sự cạnh tranh của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc chính phủ các nước tham gia vào liên minh cấm vận lĩnh vực bán dẫn của Bắc Kinh cũng đồng nghĩa với việc một số doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại, chẳng hạn như nhà sản xuất máy đúc chip Tokyo Electron, công ty có tới 1/4 doanh số tại thị trường Trung Quốc.

“Cần phải đạt được sự cân bằng để không ai trong số Nhật Bản, Mỹ và châu Âu phải chịu thiệt hại một cách không cân xứng”, Masahiko Hosokawa, giáo sư Đại học Meisei và cựu lãnh đạo phụ trách kiểm soát giao dịch tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nói.

Nguồn tin của Reuters cho hay, đối với Hà Lan, các quan chức nước này nhấn mạnh những biện pháp kiểm soát mới cần giải quyết vấn đề an ninh quốc gia thay vì ưu tiên công ty Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.

Nhật Bản hi vọng doanh số của các công ty nội địa liên quan đến bán dẫn bị ảnh hưởng sẽ phục hồi nhanh chóng khi thị trường của họ đang ngày càng mở rộng.

Thế Vinh (Theo Reuters)