Tên lửa siêu thanh có tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh với một quỹ đạo phức tạp hơn tên lửa đạn đạo, do đó chúng khó bị bắn hạ. Với những tiến bộ của Triều Tiên và Trung Quốc về khả năng tên lửa, Nhật Bản tin rằng họ cần cải thiện năng lực đánh chặn và tấn công đáp trả khi cần thiết.

Công nghệ tên lửa siêu thanh giúp nâng cao năng lực đánh chặn và phản công của Nhật Bản. (Ảnh: Foreign Policy)

Ngày 02/11, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa đạn đạo khiến Tokyo phải phát lệnh sơ tán người dân tại 3 tỉnh miền trung. Trong khi đó, Sách trắng quốc phòng của Nhật cho biết Trung Quốc có thể đã bắt đầu đưa tên lửa siêu thanh vào hoạt động từ năm 2020, còn Nga đã triển khai công nghệ này từ năm 2019 và bắn thử từ tàu ngầm vào năm 2021.

Nhật Bản sẽ xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia và các tài liệu quốc phòng quan trọng khác vào cuối năm nay. Một trong những đề xuất là việc trang bị tên lửa hành trình tầm xa, công cụ quan trọng trong năng lực phản công và răn đe, trong 3 giai đoạn. 

Đầu tiên, Tokyo có thể mua Tomahawk và tên lửa hành trình đã được kiểm nghiệm từ Washington. Tiếp đến, cập nhật tên lửa đất đối hạm Type 12 được phát triển trong nước từ tầm bắn 200 km hiện nay lên 1.000 km vào năm 2026. Việc sử dụng tên lửa siêu thanh sẽ là giai đoạn 3.

Hiện nay, Mỹ cũng chưa triển khai tên lửa siêu thanh nhưng đã có kế hoạch đưa vào sử dụng trong một vài năm tới. Trong khi đó, Nhật Bản đang cố gắng tự phát triển công nghệ này.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu phát triển công nghệ động cơ phản lực để sử dụng cho nghiên cứu tên lửa siêu thành vào năm tài khoá 2023.

Thế Vinh (Theo Nikkei Asia)