Đó là lời than thở của Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khi nói về những thủ tục của Nghị định 73 đang gây cản trở các dự án đầu tư nước ngoài về giáo dục và đào tạo vào Việt Nam.

Báo cáo tại buổi họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp ngày 8-3, ông Hoàng cho biết, Nghị định 73 cho giáo dục quy định các trường quốc tế chỉ được tuyển tối đa 20% học sinh Việt Nam (trường trung học phổ thông không quá 20%, trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10%) là “quá phi thực tế”. Thứ hai là quy trình thủ tục phải 4 bước là xem xét chủ trương, đầu tư, thành lập trường và đủ điều kiện là “cực kỳ sách nhiễu”.

“Quy định như vậy thì không có Harvard nào vào Việt Nam cả; các trường lớn không bao giờ vào vì những thủ tục này”, ông Hoàng nói, và đề cập tới trường Đại học Harvard - trường đại học hàng đầu của Mỹ và thế giới.

{keywords}
Học sinh trường quốc tế Kingderworld. Ảnh: TL

Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết Nghị định 73 yêu cầu dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phải có ba loại giấy phép là Giấy phép đầu tư, Giấy phép thành lập, và Giấy phép hoạt động.

Quy định này cũng áp dụng cho cả trường hợp  thành lập chi nhánh của một tổ chức đã được cấp phép. Rất nhiều thủ tục giấy tờ lặp đi lặp lại trong các quá trình và yêu cầu đánh giá của nhiều cục, vụ liên quan. Điều này dẫn đến việc lãng phí thời gian cho các nhà đầu tư cũng như các tổ chức và các cơ quan cấp giấy phép.

Giấy chứng nhận đầu tư đòi hỏi phải có sự tham gia của 7 phòng ban/cơ quan chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, cần phải nhận được sự chấp thuận của hơn 2 Sở: Sở Kiến trúc và Phòng cháy-Chữa cháy, và sau đó cuối cùng là sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân.

Giấy phép thành lập đòi hỏi sự tham gia của ba cơ quan chính quyền là Sở GD-ĐT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nội vụ.

Giấy phép hoạt động chỉ đòi hỏi sự chấp thuận của Sở GD & ĐT.

Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo đề nghị giữ lại quy trình hai bước như trước đây theo quy định tại Nghị định số 06 và Thông tư 14.

Tại buổi làm việc hôm qua, ông Hoàng cho biết đã nhiều lần gửi văn bản sang Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm gỡ khó cho những vấn đề trên. Tuy nhiên, văn bản trả lời, ông than phiền, là “rất tù mù, và không có căn cứ để áp dụng”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị”, ông cam kết.

Theo thống kê của Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh ra nước ngoài học hàng năm ngày càng tăng cao. Hiện nay, có hơn 110.000 học sinh Việt Nam du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ  30,000 - 40,000 đô la Mỹ mỗi năm. Như vậy người Việt Nam mỗi năm đang chi khoảng gần 3 tỉ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế.

Tư Giang (Theo TBKTSG)