Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh Thanh Hoá trong giải quyết các thách thức về phát triển nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá” và “mất giá, được mùa”, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1.000 hợp tác xã tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó phần lớn đã chú trọng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất để nâng cao giá trị thành phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm.

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hoá

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc. Do đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên.

Công nghệ nâng tầm giá trị nông sản sẵn có tại địa phương

Những năm vừa qua, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. 

Điển hình, tại huyện Quảng Xương, cây rau má đã được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nâng tầm thành sản phẩm có giá trị cao, từng bước đưa thành phẩm từ cây rau má đến bạn bè trong nước và quốc tế. 

Được biết, công nghệ sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và cho ra đời nhiều thành phẩm từ cây rau má như: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, Bánh Trung Thu rau má…

Những sản phẩm chế biến từ cây rau má, không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với bạn bè quốc tế và từng bước khẳng định thương hiệu "Cây rau má - Sâm của người Xứ Thanh”.

Chiến lược nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Nhằm thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025.

Mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, Thanh Hoá là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư, khởi công dự án đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực này.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Chẳng hạn, nếu năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác toàn tỉnh chỉ đạt bình quân 30 triệu VNĐ, thì đến năm 2021, giá trị sản xuất đã tăng lên 112 triệu VNĐ/ha/năm. 

Thế Vinh