UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 như: tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đạt trên 90%. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 250.000 điểm. Số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị di động mỗi năm tăng trên 50%.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là nhằm tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, làm thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

TP Hồ Chí Minh muốn tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Du Lam)

Kế hoạch cũng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; bảo vệ người tiêu dùng trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiề mặt trong các giao dịch thanh toán giữa tổ chức, cá nhân, gia đình và chính quyền.

Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại Thành phố.

Góp phần xây dựng chính quyền số, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức, các đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo trang tin điện tử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội thành phố vừa có văn bản gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND TPHCM về báo cáo vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 12, người nhận trợ cấp BHXH, TCTN qua phương tiện không dùng tiền mặt đạt 170.172 người/247.867 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH với tỷ lệ 68,7%, vượt 3,7% so với chỉ tiêu; 124.435 người/126.999 người hưởng trợ cấp một lần với tỷ lệ 98% (vượt 3% so với tỷ lệ BHXH Việt Nam giao); 144.225 người/144.060 người hưởng TCTN với tỷ lệ 99,7% (vượt 1,7% so với tỷ lệ BHXH Việt Nam giao).

Dù vậy, việc chi trả BHXH, TCTN không dùng tiền mặt tại thành phố vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, một số người thụ hưởng do chứng minh nhân dân hết hạn nên không thể mở tài khoản. Nhiều người sợ tốn phí ngân hàng, mất tiền trong tài khoản, sợ máy nuốt thẻ, không thạo việc rút thẻ hoặc sai mật khẩu nhiều lần…

Về phía cơ quan BHXH, việc chia sẻ dữ liệu người hưởng qua tài khoản giữa BHXH TPHCM và ngân hàng còn khó khăn do có quy định về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Do đó, BHXH TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành ngân hàng đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cho cơ quan BHXH để phối hợp tra cứu thông tin tài khoản khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; hạn chế tối đa việc sai thông tin tài khoản, giúp người hưởng sớm nhận được tiền trợ cấp BHXH, TCTN, đồng thời cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được thời gian, công sức trong việc theo dõi việc chi sai tài khoản.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, UBNDT Phường 13 Quận 11 cũng ra mắt mô hình cải cách hành chính không dùng tiền mặt từ cuối tháng 9. Người dân khi đến Bộ phận một cửa để thực hiện thủ tục hành chính đều có thể thấy các bảng standee dán mã QR để truy cập ứng dụng, thanh toán các thủ tục qua ngân hàng hoặc ví điện tử.