Bộ TT&TT đã trình Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) giai đoạn 2016-2018 lên Thủ tướng và dự kiến sẽ sớm được Thủ tướng phê duyệt.

Thông tin này được Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2015 và Triển khai kế hoạch 2016 của Học viện sáng nay, 25/12.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Nhung

Năm 2015 là năm PTIT đã hoàn thành chuyển đổi mô hình tổ chức thành công, từ một đơn vị trực thuộc VNPT thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT. Theo Thứ trưởng, đây là một trong những điểm nhấn chính của Học viện năm qua. “Có thể nói, đến nay Học viện đã đi vào hoạt động theo mô hình mới một cách trơn tru, thuận lợi, không còn khó khăn, vướng mắc như thời kỳ đầu chúng ta mới chuyển đổi”.

Theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Học viện đã được điều chuyển từ Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT từ ngày 1/7/2014.

Ngay sau đó, Học viện đã điều chỉnh mô hình tổ chức theo mô hình mới. Dự kiến đến hết tháng 12/2015, Học viện sẽ hoàn thành việc triển khai tổ chức bộ máy theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động mới đã được Bộ TT&TT ban hành.

Đối với Đề án thí điểm, Thứ trưởng cho biết hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy thêm ý kiến các Bộ liên quan và hy vọng sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Học viện có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Thứ trưởng đề nghị Học viện cần có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho việc triển khai Đề án ngay sau khi được phê duyệt. Dưới mô hình thí điểm mới, Học viện sẽ có nhiều quyền tự chủ hơn, tuy vậy Học viện cần có sự phân công rõ ràng và xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc thực hiện quyết định.

{keywords}
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng đã tặng Cờ "Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua" của Bộ cho Học viện. Ảnh: Vũ Nhung

Thứ trưởng cũng đề nghị Học viện xây dựng các cơ chế và giải pháp thiết thực để cụ thể hóa việc gắn kết Đào tạo- Nghiên cứu khoa học -Sản xuất kinh doanh, do đây là lợi thế của Học viện so với các Viện nghiên cứu và trường đại học khác, "khẳng định vai trò là đơn vị chủ lực của Bộ TT&TT trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo ngành CNTT - TT".

Bên cạnh đó, Học viện cũng cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án mở các ngành đào tạo mới theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đáp ứng yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; đẩy mạnh xúc tiến hợp tác quốc tế và liên kết hoạt động trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...

Trước đó, theo đại diện Học viện, năm 2016, nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 3000 sinh viên, 25-30 nghiên cứu sinh, 280-300 học viên thạc sĩ, 200-300 sinh viên cao đẳng chính quy...

Học viện cũng tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, trang thiết bị thực hành, thực tập, các Lab cho nghiên cứu); Triển khai các lớp bồi dưỡng trọng điểm trong các lĩnh vực quản lý của Bộ như kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng báo chí, phát thanh truyền hình... cũng như theo đặt hàng của các Tập đoàn, Tổng công ty như VNPT, MobiFone...

Ngoài ra, Học viện dự kiến triển khai các Lab nghiên cứu trọng điểm về các lĩnh vực như An toàn thông tin, Vô tuyến di động, Iot và M2M…Thành lập các nhóm nghiên cứu chung, các Lab nghiên cứu với các Tập đoàn Doanh nghiệp thực hiện một số nghiên cứu cấp nhà nước về giao thông thông minh, y tế điện tử; Đẩy mạnh các giải pháp nghiên cứu ứng dụng của các Viện nghiên cứu cho các Tập đoàn VNPT (VNPT Net, VNPT Vinaphone, VNPT Media) MobiFone, VnPost.

T.C