Ảnh minh họa: Internet

Công nghệ vô tuyến 5G đang được một số nhà mạng triển khai, hứa hẹn mang đến một thế giới đổi mới cho dịch vụ di động, từ các thiết bị được kết nối đến xe tự lái. Cuộc đua triển khai mạng di động 5G cũng đang đan xen với tranh luận về vấn đề an ninh mạng, khiến Mỹ và một số đồng minh chống lại Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong ngành công nghiệp, khiến các nhà mạng lo ngại việc triển khai có thể bị trì hoãn.

1. 5G là gì?

5G là tên viết tắt của công nghệ mạng vô tuyến thế hệ thứ 5. 5G là sự kế thừa của 4G, công nghệ mạng di động hàng đầu hiện nay được giới thiệu từ năm 2009. Trong khi đó, dịch vụ 5G mới này có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G, với tốc độ dữ liệu đạt 10 gigabit mỗi giây. Điều đó cho phép người dùng tải xuống một bộ phim độ nét cao đầy đủ trong vài giây. Để đạt được tốc độ, phải nhờ vào kiến trúc của mạng 5G, cho phép xử lý dữ liệu cục bộ thay vì xử lý tại các trung tâm dữ liệu từ xa. Mạng 5G khi kết hợp với mạng Internet vạn vật (IoT) sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp di động, giúp các thiết bị kết nối với nhau, từ các vật dụng trong gia đình như tủ lạnh, TV… đến hệ thống đèn giao thông thông minh, thậm chí các vòng đeo cổ cho các vật nuôi cũng được gửi và nhận dữ liệu.

2. 5G đã được sử dụng chưa?

Hiện tại mạng 5G đã được một số quốc gia trên thế giới triển khai thương mại trong năm 2019 như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh… Ngoài ra nhiều quốc gia khác đang lên kế hoạch triển khai trong năm 2020.

3. Khi nào 5G sẽ được phổ biến trên thị trường?

Mất vài năm trước khi vùng phủ sóng của mạng 5G đủ lớn để sử dụng điện thoại 5G mà không cần phụ thuộc vào mạng 4G hoặc thậm chí 3G. Vào cuối năm 2019, hơn mười mẫu điện thoại tích hợp 5G đã có mặt trên thị trường từ các thương hiệu Samsung, Huawei, LG, Moto, OnePlus, Xiaomi và ZTE.

Apple đặt mục tiêu ra iPhone 5G vào năm 2020. Sự chậm trễ của “táo khuyết” có thể làm mất thị phần, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.

4. Những lo lắng về an ninh là gì?

Mạng 5G không dễ dàng bị tấn công như các phiên bản trước nhưng sẽ kết nối nhiều thiết bị hơn, do đó việc bảo vệ khỏi các tác nhân xấu trở thành mối quan tâm lớn hơn đối với các nhà mạng cũng như chính phủ. Các cuộc xung đột hiện tại đang tập trung vào Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vì những cáo buộc liên quan đến vấn đề an ninh.

5. Cuộc tranh luận về Huawei là gì?

Vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra các hạn chế đối với Huawei trong việc bán thiết bị của Huawei cho các nhà mạng Mỹ cũng như việc Huawei mua các thiết bị quan trọng từ các nhà cung cấp trong nước.

Lý do Mỹ đưa ra là nghi ngờ thiết bị của Huawei tiềm ẩn đe dọa đối với an ninh quốc gia và được kết nối với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei cho biết thiết bị của họ cũng an toàn như của các đối thủ và phủ nhận liên kết với Bắc Kinh. Các quan chức an ninh của Mỹ và một số quốc gia khác cũng cho rằng thiết bị, chip và phần mềm 5G của Trung Quốc có thể theo dõi khách hàng dù điều đó chưa bao giờ được chứng minh.

6. Các quốc gia xử lý như nào trong vấn đề Huawei?

Nhiều nhà mạng ủng hộ thiết bị mạng viễn thông của Huawei vì lợi thế công nghệ tiên tiến và chi phí thấp. Song, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã vận động các quốc gia khác tẩy chay thiết bị 5G của Trung Quốc do lo ngại các loại chip và phần mềm của Huawei có thể do thám khách hàng.

Một số quốc gia đã rời bỏ thiết bị Huawei trong khi những nước khác yêu cầu thêm bằng chứng. Úc năm ngoái đã cấm Huawei và đối thủ ZTE cung cấp thiết bị 5G cho các nhà khai thác viễn thông của mình, trong khi các quốc gia châu Âu đang tìm giải pháp dung hòa. Chính quyền Đức đang đề xuất các quy tắc bảo mật chặt chẽ hơn cho các mạng dữ liệu nhưng các thành viên của đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei. Vương quốc Anh vẫn đang cân nhắc lệnh cấm đối với các hệ thống của nhà cung cấp và Pháp có kế hoạch đưa thiết bị 5G thông qua các thử nghiệm tương đương với việc yêu cầu các nhà cung cấp bàn giao bí mật công nghiệp của họ. Huawei hiện đang trong cuộc đua bốn chiều với Ericsson, Nokia và Samsung trong việc bán các thiết bị mạng 5G.

7. Có vấn đề nào khác với 5G không?

Một số nhà bình luận cảnh báo rằng tính phổ biến của 5G có thể tạo ra lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng công cộng và trong số hàng tỷ chip, cảm biến, máy ảnh và thiết bị dự kiến sẽ được kết nối với nhau. Ericsson AB, nhà sản xuất thiết bị vô tuyến của Thụy Điển ước tính rằng hơn 22 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với internet vào năm 2024.

Mặt khác, vẫn còn một số tranh luận về việc 5G có thể được triển khai đồng loạt hay không. Việc sử dụng sóng milimet, một dải tần số cực cao có thể mang một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều và hiện tại dải tần số này chưa được các nhà mạng triển khai để cung cấp dịch vụ cho 5G. Tần số cao này dễ bị can nhiễu hơn và thường chỉ phủ sóng trong phạm vi hẹp và không xuyên qua được các bức tường và các rào cản vật lý khác như các dải tần số thấp hơn.