Cơ bản xong nhiệm vụ về dịch vụ công trực tuyến trong năm nay

Việc triển khai cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được nhận định là nội dung quan trọng nhất của giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử. Bộ TT&TT đã xác định rõ năm nay Bộ tiếp tục đặt trọng tâm vào dịch vụ công trực tuyến, với 2 yêu cầu là toàn trình và thực chất.

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT với các sở TT&TT quý I/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các sở TT&TT tập trung cho nhiệm vụ nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong năm nay.

Theo các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, các chỉ tiêu đặt ra trong năm nay về dịch vụ công trực tuyến gồm có: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 50%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 80%; Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp cần đạt tối thiểu 90%.

dich-vu-cong-truc-tuyen-2-1-1-1.jpg
Lãnh đạo Bộ TT&TT yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia trong tháng 3/2024 có hướng dẫn địa phương về nâng tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình và từ xa. Ảnh minh họa: M.Quyết

Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia đã và đang tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan, địa phương mình cung cấp. Đồng thời, đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện với người dùng.

Tuy nhiên, thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến ngày 20/2, số dịch vụ công trực tuyến chiếm trên 81% số thủ tục hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính hiện là hơn 48% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 37,19%. Cũng đến trung tuần tháng 2/2024, đã có 50 tỉnh ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13 tỉnh có chính sách giảm thời gian xử lý để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ TT&TT, đến nay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước còn chưa thuận tiện, dễ dùng và toàn trình. Cùng với đó, một số địa phương chưa có chính sách khuyến khích người dân khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; vì thế, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến của những địa phương này vẫn thấp, nhất là tỷ lệ hồ sơ do người dân tự thực hiện trực tuyến.

Do đó, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh việc tổ chức đánh giá các cổng dịch vụ công, Bộ TT&TT cũng xác định một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Sẽ không đánh giá dịch vụ của những bộ, tỉnh không kết nối EMC

Với quan điểm phát triển bất cứ lĩnh vực nào thì đo lường cũng là việc quan trọng hàng đầu, Bộ TT&TT đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số - Hệ thống EMC.

Hơn thế, việc Bộ TT&TT triển khai hệ thống EMC còn là thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị định 42 năm 2022 quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Hệ thống nhằm đo lường, đánh giá, theo dõi và quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

dich-vu-cong-1.jpg
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải là một trong những website đã kết nối với hệ thống EMC. Ảnh: Thùy Dung

Quy định mới về cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có hiệu lực từ ngày 5/4/2024 cũng đã nêu rõ, các trang/cổng thông tin điện tử phải kết nối hệ thống EMC trước khi chính thức đưa vào sử dụng.

Đối với các cổng/trang thông tin điện tử vận hành trước ngày 5/4/2024, trong thời gian từ nay đến trước ngày 5/4/2025, cơ quan chủ quản cần rà soát và phối hợp cùng đơn vị quản lý hệ thống EMC thiết lập mã giám sát của các cổng/trang để quản lý hiệu quả mức độ cung cấp và sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước trên mạng.

Thực tế hiện nay, hệ thống EMC đang được Bộ TT&TT sử dụng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh kết nối và thực hiện đo lường, giám sát qua hệ thống EMC cũng là 1 trong 20 nhiệm vụ, giải pháp Bộ TT&TT đã khuyến nghị các bộ, tỉnh khẩn trương triển khai để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Dù Bộ TT&TT liên tục đôn đốc, song tính đến cuối tháng 1/2024, vẫn còn 11 bộ, ngành và 5 địa phương chưa hoàn thành kết nối toàn diện với hệ thống EMC. Theo quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Hồ Đức Thắng, việc mới chỉ khoảng 80% các bộ, tỉnh kết nối toàn diện với hệ thống EMC ảnh hưởng đến tính chính xác của việc đánh giá, đo lường kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Nhấn mạnh việc giám sát, đo lường tốt cho chính các bộ, ngành và địa phương, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia rà soát, thống kê và có văn bản nêu rõ thời hạn cần hoàn thành kết nối toàn diện với hệ thống EMC. Sau khi đã có thông báo, đến thời hạn, nếu bộ, tỉnh nào còn chưa kết nối, Bộ TT&TT sẽ đề xuất không thực hiện đánh giá dịch vụ của các cơ quan, địa phương đó.