Chị Thanh Hương ở Hà Đông, Hà Nội mới đây đã nhận được tin nhắn tiêu đề “Bộ GTVT” có nội dung “Bộ Giao thông vận tải, xin thông báo ông/bà có biên lai chưa nộp phạt. Hôm nay là thông báo cuối cùng. Yêu cầu nhanh chóng giải quyết mọi thắc mắc Vui lòng liên hệ 0782232xxxx”. Dù không đi ô tô nhưng khi nhận được tin nhắn được cho là từ cơ quan nhà nước, chị Thanh Hương không khỏi lo lắng.

Tương tự chị Hương, anh Hoàng Dũng, hiện đang sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, ngoài tin nhắn với tiêu đề “Bộ GTVT”, anh còn nhận được cả tin nhắn từ “Bộ TT&TT” với nội dung “bộ thông tin và truyền thông trân trọng thông báo số thuê bao quý khách sẽ bị khóa trong vòng 24h tới mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 076650xxx để được hỗ trợ”.

Thời gian gần đây, nhiều người dân nhận được tin nhắn giả mạo các cơ quan nhà nước (Ảnh: T.Hiền)

Theo đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, các tin nhắn nêu trên người dùng nhận được là những tin nhắn mạo danh thương hiệu, không xuất phát từ cơ quan nhà nước hay nhà mạng, mà được phát tán qua thiết bị di động giả mạo.

Như vậy, hiện nay đối tượng thực hiện các chiến dịch tấn công lừa đảo không chỉ nhắn đến giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính mà còn mạo danh cả cơ quan nhà nước để lừa đảo người dùng.

Cách đây 2 tuần, vào trung tuần tháng 9, VNCERT/CC cũng đã cảnh báo đến người dùng về các cuộc gọi lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại”. Theo cơ quan này, nhiều người dân đã phản ánh họ liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa sẽ bị “khóa thuê bao điện thoại”; các đối tượng lừa đảo cũng đã mạo danh cơ quan nhà nước để yêu cầu người dân thực hiện các thao tác nhằm chiếm quyền nhận cuộc gọi, từ đó lừa chiếm đoạt tiền.

Thông tin từ VNCERT/CC cũng cho hay, thời gian gần đây, đơn vị vẫn nhận được nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo tin nhắn thương hiệu - SMS Brandname của các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Techcombank, VPBank, ACB, SCB… với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. “Các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn giả mạo SMS Brandname để gửi tin nhắn giả mạo để thực hiện thủ đoạn lừa đảo người dùng”, đại diện VNCERT/CC nhận xét.

Kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, VNCERT/CC khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.

Các chuyên gia Cục An toàn thông tin cũng hướng dẫn người dân về cách nhận biết tin nhắn lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn SMS đến người dùng với các nội dung như thông báo trúng thưởng, hoặc thông báo tài khoản ngân hàng của người dùng gặp sự cố và cần giải quyết trong thời gian ngắn. Đối tượng có thể sử dụng tên thương hiệu, tên ngân hàng, tổ chức và gắn kèm liên kết dẫn đến trang web giả mạo, liên kết này có tên gần giống với trang web chính thức của các thương hiệu, ngân hàng. 

Không những thế, đối tượng tấn công có thể giả mạo công an gửi tin nhắn truy nã, lệnh bắt giữ để yêu cầu người dùng cung cấp căn cước công dân, số điện thoại…và thực hiện theo hướng dẫn của chúng. “Khi nhận được các tin nhắn với những dấu hiệu nêu trên, người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu trong tin. Cần biết rằng, hiện nay các cơ quan chức năng khi liên hệ làm việc sẽ không thông qua tin nhắn, cuộc gọi hay bất kỳ hình thức làm việc online nào”, chuyên gia Cục An toàn thông tin lưu ý.

Ngoài ra, để giúp người dân nhận biết được các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin, trực tiếp là VNCERT/CC đã xây dựng những tình huống lừa đảo thành tiểu phẩm ngắn và đăng tải lên kênhTiktok “Cảnh báo lừa đảo trên mạng”. Qua những tiểu phẩm được dựng lại từ tình huống thực tế, cơ quan này mong muốn sẽ có nhiều người biết và tránh được việc bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo.

Vân Anh