Bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai và minh bạch, xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” ngày càng nở rộ và khiến người dân bức xúc.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, từ đầu năm 2022 cho đến nay, đã có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo tới trang web canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến.
Nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” ngày càng nở rộ khiến người dân bức xúc. (Ảnh minh họa: Internet) |
Các chuyên gia NCSC khuyến nghị, khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… thì người dân cần cảnh giác bởi đây có thể là một hình thức của tín dụng đen online.
Trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Các chuyên gia NCSC phân tích, các app tín dụng đen đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay không cần tài sản thế chấp, nhưng lãi suất lại rất cao...
Trước khi cho vay, các đối tượng thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…
Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân. Khi người nợ chậm trả lãi, các đối tượng quay sang đòi nợ những người trong danh bạ; gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.
Khi đến hạn thanh toán mà người dân không trả sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rối. Có những đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại và liên hệ, quấy rối, thậm chí đe doạ, xúc phạm với những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… gây áp lực ép người vay phải trả tiền.
Chuyên gia NCSC cũng lưu ý, thời lượng và nhu cầu sử dụng Internet của người dân ngày càng tăng lên, mọi hoạt động của con người đều tối ưu hóa trên điện thoại di động. Bởi vậy, các đối tượng xấu thường dễ dàng dẫn dụ và lừa đảo người dùng qua điện thoại.
Các dấu hiệu giúp người dân nhận biết hình thức lừa đảo qua app tín dụng đen. |
Tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín trong trường hợp phải sử dụng là một trong những việc người dân cần làm để tránh sa vào bẫy tín dụng đen online hay trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Trong trường hợp nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen, người dân có thể chủ động cảnh báo đến tại trang web canhbao.ncsc.gov.vn
Bên cạnh đó, người dân có thể tìm kiếm các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua “Danh sách đen” tạt tinnhiemmang.vn
Đại diện NCSC thông tin thêm, ngoài hình thức lừa đảo qua app tín dụng đen, trên không gian mạng còn nhiều hình thức khác. Người dân có thể tham khảo một số phương cách phòng chống lừa đảo trực tuyến phổ biến đã đăng tại khonggianmang.vn.
Vân Anh
Ra mắt trang web dauhieuluadao.com giúp người dùng nhận biết lừa đảo trực tuyến
Là kết quả hợp tác của Google và NCSC, DauhieuLuadao.com cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay