Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc được thành lập theo quyết định 3043 được Bộ Y tế ban hành ngày 24/6.

Ban chỉ đạo này do Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Nguyễn Thanh Long làm Trưởng ban; Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng là Phó trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, Đồng Trưởng tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông.

Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc còn có 9 Phó trưởng ban, gồm có các Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Trường Sơn, Trương Quốc Cường, Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Sĩ Tấn; và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng Trần Duy Giang.

Cùng việc thành lập Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, Bộ Y tế cũng thành lập Văn phòng thường trực và 5 Tiểu ban thuộc Ban chỉ đạo gồm: Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tiểu ban Tiêm chủng; Tiểu ban An toàn tiêm chủng; Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin; Tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông.

Trong đó, Tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm Trưởng Tiểu ban và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng là đồng Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban này còn có các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế; Cục CNTT, Bộ Y tế; Cục Tin học hóa, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia của Bộ TT&TT; Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục CNTT, Bộ Y tế; Công ty VNPT-IT; Tập đoàn Viettel.

{keywords}
Tiểu ban ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông có nhiệm vụ chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng (Ảnh: Hải Đăng)

Một trong những nhiệm vụ của Tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông là phối hợp với các Tiểu ban để chỉ đạo việc xây dựng ứng dụng CNTT quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ đến khi tiêm chủng.

Tiểu ban còn có các nhiệm vụ: Chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng; Phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng Covid-19 cho các điểm tiêm chủng và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm chủng.

Đồng thời, chỉ đạo công tác truyền thông chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, chỉ đạo tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Để kết nối tri thức, kinh nghiệm của 2 ngành Y tế và TT&TT trong triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, các Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 ở Trung ương và địa phương đã được thành lập trong tháng 6.

Ra đời với sứ mệnh trước nhất là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo chuyển từ phòng ngừa sang tấn công dịch Covid-19 bằng công nghệ, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia có sự hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực Y tế và TT&TT cùng sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ, triển khai các nền tảng và ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đại diện Bộ TT&TT cho biết Bộ này và Bộ Y tế đã chỉ đạo Viettel triển khai nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Ứng dụng 2 nền tảng này trong công tác quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các địa phương đạt được “mục tiêu kép” là vừa đảm bảo tiêm chủng được nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người dân với số lượng lớn, giảm tải cho nhân viên y tế; vừa tạo lập được dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn mình.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có thể theo dõi được: số lượng người đã được tiêm chủng tại mỗi cơ sở tiêm, số người đã đăng ký mà không đến tiêm, số người không đủ điều kiện sức khỏe tiêm thông qua khám sàng lọc, các triệu chứng thường gặp sau tiêm của mỗi loại vắc xin, số trường hợp có tai biến sau tiêm… Tất cả thông tin được cung cấp trên hệ thống theo thời gian thực để Ban chỉ đạo có những chỉ đạo, xử trí kịp thời.

Vân Anh

Thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý công tác tiêm chủng tại TP.HCM

Thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý công tác tiêm chủng tại TP.HCM

Công nghệ đang áp dụng thí điểm trong quá trình tiêm chủng Covid-19 tại TP.HCM giúp hỗ trợ quản lý, theo dõi được dễ dàng và thuận tiện hơn.