Tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi | CyRadar: Xuất hiện mã độc “núp bóng” văn bản mạo danh thông báo của SWIFT

CEO Công ty CyRadar Nguyễn Minh Đức cho biết, tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chuyên gia Công ty CP An toàn thông tin CyRadar vừa cho biết, từ ngày 5/12, CyRadar đã ghi nhận được một chiến dịch APT nhắm vào các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước. Chiến dịch khởi đầu bằng một file văn bản .doc qua email, mạo danh thông báo của SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính quốc tế.

Tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi | CyRadar: Xuất hiện mã độc “núp bóng” văn bản mạo danh thông báo của SWIFT

Mã độc núp bóng 1 file văn bản mạo danh Thông báo của Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế - SWIFT (Nguồn ảnh: CyRadar)

Theo phân tích của chuyên gia CyRadar, khi người dùng bị đánh lừa mở file và bật tính năng macro trong file văn bản thì mã độc hại được nhúng đã âm thầm tải xuống một backdoor và tự động thực thi chúng. Nó có nhiệm vụ kết nối và nhận dữ liệu đã mã hóa từ máy chủ điều khiển, sau khi nhận được dữ liệu nó tiến hành giải mã và load dữ liệu lên bộ nhớ cuối cùng thực thi các hành vi độc hại tương ứng.

Tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi | CyRadar: Xuất hiện mã độc “núp bóng” văn bản mạo danh thông báo của SWIFT

Sơ đồ hành vi mã độc (Nguồn ảnh: CyRadar)

Tại thời điểm phân tích, mã độc thực hiện lấy dữ liệu đã mã hóa tại URL hxxps://remainsproperty[.]com/yadjuzaurhedyo, sau quá trình giải mã, phân tích nhận thấy đây là một file .DLL có hành vi kết nối, nhận dữ liệu từ máy chủ điều khiển rồi thực thi tùy ý mã độc hại khác từ máy chủ điều khiển đẩy xuống.

“Có thể thấy đây là loại mã độc tinh vi vì mã độc không được đóng gói thành 1 file như các loại mã độc thông thường mà nó nhận dữ liệu mã hóa từ máy chủ điều khiển rồi giải mã, thực thi ngay trên bộ nhớ. Điều này sẽ làm các phần mềm diệt virus khó có thể mà phát hiện được”, chuyên gia CyRadar nhận định.

Cũng trong thông tin cảnh báo về chiến dịch tấn công mới nhằm vào các ngân hàng trong và ngoài nước, chuyên gia CyRadar khuyến nghị, nhân viên các ngân hàng và tổ chức tài chính cần hết sức lưu ý trước khi mở một file văn bản được gửi đến cho mình mà bạn không thực sự hiểu lý do xuất hiện của nó, đặc biệt là trong những ngày này, khi thế giới đang ghi nhận một chiến dịch tấn công rộng khắp nhắm tới các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Trên thực tế, đúng như dự báo của các chuyên gia bảo mật từ cuối năm ngoái, trong hơn 11 tháng đầu năm nay đã cho thấy tấn công có chủ đích APT thực sự là một trong những xu hướng tấn công mạng nổi bật của năm 2018. Thậm chí, CyRadar từng nhận xét, có những cuộc tấn công APT mà tại thời điểm tấn công hầu hết các hệ thống an ninh mạng của các cơ quan, tổ chức đều bị đánh bại.

Đề cập đến mối nguy hiểm từ các cuộc tấn công APT, trong trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến chủ đề “Đảm bảo an toàn thông tin trong doanh nghiệp thời chuyển đổi số: Chính sách và giải pháp” được ICTnews tổ chức trung tuần tháng 11/2018, ông Nguyễn Minh Đức - CEO Công ty CyRadar nhấn mạnh, tấn công APT (Advanced Persistent Threat) tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Ngay trong vài tháng gần đây, CyRadar cũng đã phát hiện ra nhiều chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các Tổ chức tài chính cũng như nhiều cơ quan khối Chính phủ. Ngăn chặn các cuộc tấn công đã khó, việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công APT sẽ càng khó khăn hơn. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng không tránh khỏi bị tấn công cài đặt phần mềm gián điệp, âm thầm đánh cắp dữ liệu.

“Để đối phó kịp thời với mối nguy hiểm này, tôi cho rằng các doanh nghiệp và tổ chức cần chủ động xây dựng hệ thống phòng thủ đa lớp, đặc biệt là đầu tư vào đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin và nâng cao trình độ nhận thức của toàn nhân viên thông qua các chương trình đào tạo”, ông Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.