Các đại biểu tham quan, tìm hiểu các mô hình triển lãm tại hội nghị về trí tuệ nhân tạo. Ảnh theo Bộ KHCN

Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự báo thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 58 tỷ USD sau 3 năm nữa, tốc độ tăng trưởng năm hơn 50%. Xu hướng đầu tư trí tuệ nhân tạo lan rộng từ các quốc gia, tập đoàn lớn, cho đến các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu. 

Chỉ trong tuần cuối của tháng 12 đã diễn ra 2 Hội nghị lớn bàn về sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo tại Việt Nam, chưa kể rất nhiều sự kiện khác được tổ chức trong năm nay. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mới đây tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao lần thứ 5 với chủ đề “Robot và Trí tuệ nhân tạo”. Tại hội nghị, các diễn giả trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi, thảo luận ba nội dung lớn: Tương tác giữa con người và robot trong ngành công nghiệp 4.0; robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại robot và trí tuệ nhân tạo.

Theo đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính gồm: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trong đó, với lĩnh vực kỹ thuật số sẽ gồm các yếu tố cốt lõi như: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là robot hiện diện ở rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, hỗ trợ rất lớn cho sự vận động, sáng tạo của con người.

Tại hội thảo diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước tìm hiểu về các công nghệ tiên tiến này, cách vận hành và phát triển trong tương lai. Điều này sẽ nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị về công nghệ thông minh trong cuộc sống; các công nghệ này cũng tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực để phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại đất nước.

Hội nghị lần này cũng góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của đề án phát triển vi cơ điện tử thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2030; hình thành mạng lưới liên kết các chuyên gia trong lĩnh vực y sinh và triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực cao về y sinh; thành lập trung tâm đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng cao với Nhật Bản. Các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực robot và tự động hóa cũng tổ chức triển lãm các ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực.

Không phải ngẫu nhiên mà trí tuệ nhân tạo lại được các nhà quản lý và cộng đồng trong nước bàn luận nhiều đến vậy, tầm quan trọng của nó có thể được vắn tắt như sau:

Giáo sư Andrew Ng, Nhà sáng lập ban đầu của Google Brain - "bộ não" của gã khổng lồ Google đã không ngần ngại gọi trí tuệ nhân tạo là "loại điện mới". Hàng tỷ USD đang được các chính phủ đầu tư cho trí tuệ nhân tạo, như Mỹ là 2 tỷ USD, còn Liên minh châu Âu cũng không kém với 1,8 tỷ USD.

Việt Nam cũng vừa chính thức có Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025 do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành, trong đó, tập trung phát triển các công nghệ nền tảng về xử lý và nhận dạng nhằm giải quyết các bài toán trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp hay ngân hàng.

Với nền tảng là phân tích và xử lý dữ liệu lớn để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các thị trường sơ khai như Việt Nam, dữ liệu chính là điểm mấu chốt.

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dùng trí tuệ nhân tạo đánh giá rủi ro tín dụng cho khách hàng là ngân hàng, công ty tài chính... cho biết hiện đã chấm điểm tín dụng cho 55 triệu người Việt Nam, chiếm 80% tổng giao dịch vay tiêu dùng.

Muốn có sản phẩm trí tuệ nhân tạo, phải có dữ liệu lớn, do vậy, doanh nghiệp phải mất nhiều năm để giải quyết bài toán về thu thập dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn như hành vi mạng xã hội, hành vi tiêu dùng, lịch sử trả nợ...

Gọi là "bài toán" vì nếu làm theo cách thông thường là đi vay dữ liệu, doanh nghiệp cho biết phải bỏ ra đến hàng tỷ USD mới có được lượng dữ liệu đủ lớn để cho máy học. Tuy nhiên, số lượng các công ty tại Việt Nam có sản phẩm thương mại ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện còn rất khiêm tốn. Mức độ phát triển của lĩnh vực này nhìn chung mới ở mức sơ khai.

Giới chuyên gia cho rằng, một phần vì sự hạn chế trong độ mở chia sẻ dữ liệu tại Việt Nam. Ví dụ đơn giản là ứng dụng Google Dịch, dịch tiếng nước ngoài thì giỏi nhưng dịch tiếng Việt lại dở.

Ngoài ra, mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học nên được tập trung đẩy mạnh hơn nữa để phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam. Doanh nghiệp có dữ liệu và khả năng thương mại, còn trường đại học có nhân tài và khả năng nghiên cứu.

Tuy nhiên, những sự vụ như Facebook mới đây bị phát hiện chia sẻ dữ liệu người dùng cho các công ty công nghệ lớn khác như Amazon, Netflix, Spotify... cũng gây ra tranh cãi về mặt trái về việc chia sẻ dữ liệu. Do đó, làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và quyền riêng tư của người dùng cũng đặt ra bài toán lớn cho nhà quản lý.