Chiều 30/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức “Hội nghị sơ kết một năm vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700”.

{keywords}
Các đơn vị nhận bằng khen về thanh toán dịch vụ công.

Báo cáo kết quả sau một năm triển khai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) là một trong những giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Sau một năm triển khai, đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính với Cổng DVCQG, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương; có 2.700 thủ tục hành chính đã được tích hợp; 412 nghìn tài khoản cá nhân, doanh nghiệp đăng ký; hơn 100 triệu lượt truy cập; 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; 719 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến.

Đặc biệt, đã có 54/63 địa phương, 14 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến với Cổng DVCQG; tổng số giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng có sự tăng trưởng cao, trên 45,7 nghìn giao dịch. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

Trong sự kiện này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao bằng khen cho 10 đơn vị ngân hàng, trung gian thanh toán, ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.

Các đơn vị nhận bằng khen bao gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo); Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank); Tổng Công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Cổ phần Thanh toán­­ Quốc gia (NAPAS); Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (MoMo), Công ty Cổ phần Ngân lượng (Ngân Lượng).

Cổng DVCQG chính thức được khai trương vào ngày 9/12/2019, nhằm cung cấp thông tin về các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp tại 4 cấp chính quyền. Đến nay, Cổng DVCQG có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử, tiết kiệm hơn 6.700 tỷ đồng/năm cho xã hội.

Hiện Văn phòng Chính phủ và các Sở ban ngành, trung tâm hành chính công và các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán cũng đang tích cực phối hợp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quy trình vận hành để mang đến cho khách hàng trải nghiệm thanh toán tốt nhất. Đồng thời, các đơn vị cũng liên tục phối hợp truyền thông để dần thay đổi thói quen thanh toán dịch vụ công của người dân cả nước sang thanh toán trực tuyến.

Hải Đăng

Năm 2020, thanh toán điện tử trong dịch vụ công được triển khai rộng rãi

Năm 2020, thanh toán điện tử trong dịch vụ công được triển khai rộng rãi

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhận định: năm 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.