Tiến sỹ Lê Viết Quốc, người hiện đang làm việc tại Google Brain. Ảnh CafeBiz

Nở rộ nghiên cứu, ứng dụng AI

“Giác ngộ” điều này, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ trong nước đã có những bước khởi đầu nghiên cứu và ứng dụng AI để nhanh chóng hoà nhập vào xu thế chung của thế giới. Tháng 6-2017, Tập đoàn FPT đã công bố ra mắt nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo để các lập trình viên tạo ra giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên. Bên cạnh đó, FPT còn xây dựng nền tảng để dùng AI, cảm nhận AI và tạo ra các sản phẩm AI thực tế”. Tháng 7/2018 vừa qua, FPT công bố đã mua được siêu máy tính NVIDIA DGX-1 phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI.

Hay như Vingroup mới đây cũng thể hiện tham vọng trong lĩnh vực AI khi công bố thành lập Công ty VinTech chuyên tập trung nghiên cứu AI, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty này cũng đã thành lập hai viện trực thuộc là Viện nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).

Một tên tuổi khác của làng công nghệ là Zalo cũng tập trung nghiên cứu và phát triển AI từ năm 2017. Theo những gì đã công bố, khác với việc tập trung vào phần cứng hoặc nghiên cứu các giải pháp học thuật, đơn vị này hướng tới việc tích hợp các giải pháp AI vào bên trong các ứng dụng của mình để giải quyết các nhu cầu thực tế của người dùng. Tháng 12/2017, tại sự kiện Zalo AI Summit, Zalo đã giới thiệu về AI Lab và hai dự án nền tảng là Zalo Brain và Zalo Assistant. Sau đó chỉ nửa năm, Zalo đã được Tập đoàn tài chính Shinhan ký hợp tác chiến lược toàn diện cùng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính). Bên cạnh sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty hàng đầu Việt Nam, rất nhiều công ty chuyên về nghiên cứu, ứng dụng AI cũng đã được thành lập và đạt được những bước tiến bộ nhất định.

 Cần đầu tư đúng hướng

Hiện nay, AI đã có những khởi đầu lạc quan khi có rất nhiều đơn vị quan tâm đến làn sóng này. Tuy nhiên tính đến nay vẫn chưa có nhiều sản phẩm AI Việt mang tính ứng dụng thực tiễn cao cho người dùng.

Trong sự kiện “Hội thảo AI Việt Nam 2018” diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Tiến sỹ Lê Viết Quốc, người hiện đang làm việc tại Google Brain đã nhận xét rằng, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng trong phát triển CNTT, và cụ thể là công nghệ AI - yếu tố được coi là “trái tim” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhưng đang thiếu nhiều “vật liệu” để xây dựng. Trong đó nhà nước và doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nguồn dữ liệu mở.

Ngành công nghiệp AI đòi hỏi trung bình từ 1 triệu nhân lực bao gồm kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà phát triển,... Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10.000 nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mỗi năm. 

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sỹ Quốc khẳng định, chúng ta buộc phải đầu tư mọi nguồn lực vào giáo dục. Thậm chí cần thay đổi chương trình học từ các kiến thức sách vở phổ thông thành khoa học - máy tính, nhằm giúp các em sớm nắm bắt được khái niệm thuật toán, cơ sở dữ liệu, lập trình, AI, IoT,... “Lập trình lên Đại học mới học là quá trễ, nên học từ cấp 3 và các lớp thấp hơn nữa”, Tiến sỹ Lê Viết Quốc khẳng định.

Hiện tại, Vingroup đã có kế hoạch đầu tư dài hạn cho nguồn lực làm AI bằng cách ký kết với  các trường đại học hàng đầu Việt Nam để tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức; tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới…

Vấn đề thứ 2 được đề cập tới chính là dữ liệu. Theo Tiến sỹ Lê Viết Quốc, chúng ta cần phải tìm cách tạo ra dữ liệu (data) mở. Ông Lê Viết Quốc cũng dẫn chứng tại Google trong một vài năm trở lại đây đã thay đổi quan điểm, để tạo ra nguồn dữ liệu mở ra toàn thế giới, thay vì giữ “khư khư” các công nghệ được đầu tư hàng triệu đô la cho riêng mình.

Hiện trong nước mới chỉ có vài đơn vị xây dựng được kho data đủ để phục vụ nghiên cứu AI cũng như cung cấp cho cộng đồng kỹ sư Việt. Chẳng hạn như Zalo mới đây đã chia sẻ bộ dữ liệu gồm có 1 triệu bức ảnh, 30 nghìn đoạn thu âm giọng nói và 7 ngàn đoạn nhạc khác nhau cho các cá nhân, đội nhóm làm AI tại Việt Nam thông qua cuộc thi Zalo AI Challenge. Đây là những bộ data rất đặc biệt, không chỉ được chọn lọc kỹ lưỡng về chất lượng, được chuẩn hóa để phục vụ việc nghiên cứu AI mà quan trọng nhất đây đều là dữ liệu bản địa – cực kỳ quí giá và ý nghĩa với những ai đang làm về AI ở Việt Nam.

Ông Phạm Kim Long, tác giả của hai bộ gõ nổi tiếng Labankey và Unikey, đồng thời là trưởng ban tổ chức cuộc thi trên chia sẻ: “Các giải pháp AI từ cuộc thi đều có tính thực tiễn cao. Tất nhiên trong khuôn khổ cuộc thi với phạm vi tương đối hẹp, đây là những bước đầu, những viên gạch cơ bản để xây dựng các sản phẩm hoàn thiện.”

Bên cạnh các vấn đề như nguồn nhân lực và dữ liệu, cộng đồng AI Việt không thể thiếu những người dẫn dắt cũng như những nền tảng, diễn đàn để học hỏi và chia sẻ lẫn nhau. Ở quy mô mạng xã hội, Forum Machine Learning cơ bản là một diễn đàn nổi tiếng, thu hút sự tham gia của 23 ngàn thành viên. Trong đó, đa số các thành viên chủ chốt đều là những kỹ sư đang học tập và làm việc ở nước ngoài, thường xuyên chia sẻ các chủ đề chuyên môn cho người mới bắt đầu, lập đội tham gia các cuộc thi AI lớn trên thế giới.

Ở quy mô tổ chức, Zalo AI Summit là một hội thảo chuyên sâu về AI diễn ra hàng năm dành riêng cho giới lập trình viên, kỹ sư AI. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia trong nước, sự kiện còn mang đến những chia sẻ và định hướng từ các chuyên gia đang nghiên cứu và phát triển AI tại các tổ chức công nghệ hàng đầu Mỹ, Nhật…

Với những bước khởi đầu nêu trên, tại hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy đã bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như nhóm chiến lược, nhóm thị trường, nhóm dữ liệu, nhóm triển khai ứng dụng và nhóm về đào tạo, nghiên cứu cơ bản.