Công nghệ của DZS Việt Nam được giới thiệu tại Internet Day ngày 5/12

Tại Internet Day 2018 với chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, công ty DASAN Zhone Solutions Việt Nam (DZS Việt Nam) đã giới thiệu giải pháp DZS FiberLAN, dưạ trên công nghệ mạng cáp quang thụ động POL, giúp các doanh nghiệp Việt Nam trang bị cơ sở hạ tầng mạng hợp nhất đa dịch vụ cho sự bùng nổ của các tòa nhà thông minh, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mạng cáp quang thụ động là công nghệ tất yếu được ra đời do sự phát triển và đòi hỏi từ các tòa nhà thông minh.

So với công nghệ cáp đồng, công nghệ này có tính năng ưu việt là khả năng hợp nhất đa dịch vụ (thoại, video, giải trí trực tuyến, IPTV…) trên một nền tảng duy nhất giúp cắt giảm tối đa chi phí đầu tư vận hành, diện tích sàn, linh hoạt khi có nhu cầu mở rộng và đặc biệt là tính bảo mật cao.

Hiện nay, thị trường mạng cáp quang thụ động có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 46% (CAGR), theo nghiên cứu của Hiệp hội Thông tin và Nghiên cứu Các dịch vụ trong Tòa nhà (BSRIA).

Theo Gartner, dự kiến đến năm 2020 sẽ có hơn 20 tỷ “vật” được kết nối Internet; hơn 65% doanh nghiệp (hiện tại mới chỉ khoảng 30%) sẽ triển khai ứng dụng công nghệ IoT.

Ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc DZS Việt Nam, hiện nay trên thế giới các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều đang tăng tốc xây dựng các tòa nhà thông minh để khai thác triệt để các lợi ích từ sự bùng nổ của thiết bị kết nối và dữ liệu khổng lồ trong những năm tới. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn do dự thì sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng mạng trong các tòa nhà, khu đô thị, chung cư, văn phòng… đã tiên phong trong ứng dụng và triển khai công nghệ mạng cáp quang.

Riêng tại Hà Nội, chỉ 2 năm trở lại đây có đến gần 50 tòa nhà văn phòng, chung cư hiện đại, khách sạn và khu đô thị đang triển khai giải pháp mạng cáp quang thụ động FiberLAN của DZS như Eco Lake View 32 Đại Từ, FLC 48 Quang Trung, Hong Kong Tower 243 Đê La Thành, khu đô thị Linh Đàm…

So với các tòa nhà vẫn đang triển khai giải pháp truyền thống, các tòa nhà này đã tiết kiệm đến 30% chi phí đầu tư, 70% chi phí vận hành hàng tháng.

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý tập trung và tự động đến từng giao diện người dùng do các kỹ sư trung tâm R&D của DZS tại Việt Nam thiết kế cho phép hạn chế tối đa thời gian gián đoạn dịch vụ, khắc phục và phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra ngay cả khi họ chưa nhận thức được, hoặc chưa kịp phản ánh với nhà cung cấp dịch vụ.

Giải pháp FiberLAN của DZS cũng cho phép các nhà đầu tư hạ tầng và cư dân trong các tòa nhà không phải đối mặt với những hạn chế về mặt kỹ thuật trong việc kết nối đến dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ mạng khác nhau, cũng như việc chỉ được chọn duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ có sẵn.

Đây cũng là xu hướng mới để các nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh lành mạnh trong phân khúc thị trường các tòa nhà hay khu chung cư, và sau cùng là người tiêu dùng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với chi phí cạnh tranh.

Cũng theo ông Park, FiberLAN của DZS có thể coi là xương sống trong các tòa nhà hiện đại, có khả năng hỗ trợ và tương thích với sự phát triển của công nghệ trong vòng 25 năm tới, như công nghệ NG PON, 4G LTE và 5G.

Trên thế giới, DZS FiberLAN đã được triển khai thành công cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực với những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe nhất về tốc độ, bảo mật và hiệu quả đầu tư lâu dài như tập đoàn khách sạn 5 sao Accord, Marriots, Starwood; Đại học bang Washington, San Francisco…