Thông tin nêu trên vừa được ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết tại cuộc họp về tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì hôm nay, ngày 6/3/2020.

Cuối năm nay, 100% dịch vụ công của Bộ TT&TT có thể tiếp nhận, định danh và thanh toán online | 100% dịch vụ công của Bộ TT&TT được cung cấp trực tuyến mức 4 vào cuối năm 2020

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Theo thống kê của Trung tâm thông tin, hiện Bộ TT&TT có tổng số 206 dịch vụ công, bao gồm 118 dịch vụ được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 27 dịch vụ mức 3 và số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 61 dịch vụ.

Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo trong năm nay, 100% dịch vụ công của Bộ phải được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (mức cao nhất, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng – PV).

Cùng với đó, trong kết luận hội nghị giao ban quý I/2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, con số tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 phải chiếm ít nhất 50% tổng số giao dịch dịch vụ công; tỷ lệ phát sinh hồ sơ của các dịch vụ này phải trên 50%, tức là lên cấp độ 4 phải có người dùng.

Trong báo cáo tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT, Trung tâm thông tin của Bộ cũng cho biết, vướng mắc chung hiện nay là lượng hồ sơ phát sinh hàng năm thấp.

Cụ thể, theo thống kê, số dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT có phát sinh hồ sơ trong năm lớn hơn 12 hồ sơ chỉ là 83 dịch vụ, tương đương khoảng 40%, trong đó có 41 dịch vụ công mức độ 2, 14 dịch vụ mức độ 3 và 28 dịch vụ mức độ 4.

Tổng số dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến trong năm hơn 30% là 6/27 dịch vụ công mức 3 và 4/61 dịch vụ công mức 4. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2019 của cả Bộ TT&TT là 33%.

Trong khi đó, theo Thông tư 01 ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4 phải căn cứ vào nhu cầu người dùng trên cơ sở kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt tối thiểu từ 30% trong tổng số hồ sơ trở lên và nội dung thủ tục hành chính đáp ứng tiêu chí thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Cuối năm nay, 100% dịch vụ công của Bộ TT&TT có thể tiếp nhận, định danh và thanh toán online | 100% dịch vụ công của Bộ TT&TT được cung cấp trực tuyến mức 4 vào cuối năm 2020

Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo trong năm nay, 100% dịch vụ công của Bộ phải được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (Ảnh chụp giao diện Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT)

Chia sẻ quan điểm của Cục Tin học hóa trong vấn đề triển khai dịch vụ công trực tuyến, Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh cho rằng để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến thì cần tập trung 3 việc.

Trước tiên, điều kiện cần để cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nền tảng thanh toán và định danh. Thời gian qua, Trung tâm Thông tin đã xây dựng được hệ thống thanh toán MIC Connect triển khai trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP), cho phép định danh và liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về thanh toán, Trung tâm thông tin đã liên hệ 3 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Tin học hóa, để phục vụ người dân, cơ quan nhà nước phải chủ động và sẵn sàng trong việc tiếp nhận trực tuyến hồ sơ, trừ các trường hợp dịch vụ công theo quy định vẫn yêu cầu người dân đến để chụp ảnh, làm chứng...

Điều kiện đủ để bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan nhà nước là phải đẩy mạnh việc sử dụng của người dân. “Đây là trách nhiệm của cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nghĩa là phải thay đổi tư duy từ việc “xin và cấp” sang tư duy phục vụ, coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng và mời người dân dùng dịch vụ để có hồ sơ trực tuyến.

Khi tiếp cận tinh thần này, các dịch vụ công đều có thể tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Hiện chưa thể đưa 100% dịch vụ công lên mức độ 4 vì theo quy định của pháp luật có những dịch vụ yêu cầu người dân đến trực tiếp để ký nhận, chụp ảnh… nhưng có thể bảo đảm rằng 100% dịch được tiếp nhận hồ sơ trực tuyến”, ông Đỗ Công Anh nêu ý kiến.

Bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm của Cục Tin học hóa về vấn đề phải hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, trong kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, việc triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên mức độ 4 phải thực hiện một cách quyết liệt nhưng cũng phải bảo đảm nguồn lực để triển khai.

“Mục tiêu cao nhất trong năm nay là triển khai kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ với cách làm cầu thị, không bàn lùi, kỹ lưỡng và quyết liệt", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin rà soát, lập danh sách các dịch vụ công từ mức độ 2, 3 có khả năng nâng lên mức độ 4; xác định danh sách công việc, tiến độ, các điều kiện cần và đủ để từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình chi tiết thực hiện.

Trung tâm thông tin có trách nhiệm làm việc với các đơn vị thuộc Bộ và đối tác để rà soát khó khăn, xây dựng kế hoạch, kinh phí, công việc ưu tiên và xây dựng kế hoạch tổng thể trình Lãnh đạo Bộ trong tháng 4/2020 để 100% các dịch vụ công của Bộ được cung cấp trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm 2020. “Bản kế hoạch tổng thể này phải chi tiết, cụ thể được các công việc của từng đơn vị thuộc Bộ có cung cấp dịch vụ công”, Thứ trưởng yêu cầu.

Nhận thấy khối lượng công việc Trung tâm Thông tin phải triển khai trong năm 2020 để thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Bộ trong xây dựng Bộ điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là rất lớn, Thứ trưởng đề nghị Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương biệt phái một số cán bộ sang hỗ trợ Trung tâm Thông tin.