"Chúng tôi sẽ không chuyển cho Ukraine những hệ thống pháo phản lực có thể vươn tới lãnh thổ Nga", ông Biden trả lời phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 30/5, nhưng không đề cập loại vũ khí cụ thể.

Sau tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cho biết Washington đã có quyết định "hợp lý" khi không gửi hệ thống vũ khí này cho Ukraine, theo hãng thông tấn Reuters.

2 hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ cuối tuần trước cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét khả năng đưa hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) vào gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Pháo phản lực luôn là ưu tiên hàng đầu trong danh sách các loại vũ khí mà Ukraine đề nghị phương Tây viện trợ. Giới lãnh đạo Kiev đã trực tiếp đề xuất vấn đề này với các quan chức Washington trong nhiều cuộc gặp. "Ukraine phải nhận được các vũ khí hạng nặng, đặc biệt là pháo phản lực M142 HIMARS và M270, để đánh bại đối phương", Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 8/5.

 EU nhất trí cấm vận 1 phần dầu từ Nga

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 30/5 tuyên bố, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ cấm vận 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong gói trừng phạt mới, nhằm “gây sức ép tối đa” để nước này chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Thỏa thuận này cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU, và sẽ ngay lập tức được áp dụng lên hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga”, ông Michel cho biết trên mạng xã hội Twitter giữa phiên họp tại Brussels (Bỉ) hôm 30/5.

Theo hãng tin AP, gói trừng phạt mới được EU nhất trí sẽ cấm nhập dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, song sẽ không cấm vận số dầu được vận chuyển trên đường ống Druzhba tới Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia.  

Cũng theo ông Michel, các lãnh đạo EU đã nhất trí viện trợ Ukraine 9 tỷ Euro để hỗ trợ việc tái thiết sau xung đột, đồng thời loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Bên cạnh đó, 3 đài truyền hình thuộc sở hữu của nhà nước Nga cũng có tên trong danh sách trừng phạt mới.

Trước đó, EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các vòng trừng phạt đã nhắm vào hơn 1.000 cá nhân, trong đó có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của chính phủ Moscow, cũng như giới tài phiệt, các ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác của Nga.

Gói trừng phạt thứ 6 dự kiến được EU công bố vào ngày 4/5, nhưng đã bị trì hoãn do một số quốc gia thành viên lo ngại về nguồn cung dầu từ Nga.

Ông Putin nói Nga sẵn sàng khai thông tuyến hải vận từ Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/5 tuyên bố sẵn sàng khai thông tuyến hải vận từ các cảng biển ở Ukraine nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc, trong bối cảnh các tuyến đường này đang bị phong tỏa.

"Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng phối hợp cùng đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để khai thông tuyến vận tải hàng hóa qua đường biển, trong đó có hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Ukraine", Điện Kremlin ra thông báo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 30/5.

Ông Putin cũng nhắc lại rằng, Nga có thể xuất khẩu một lượng lớn phân bón và thực phẩm với điều kiện các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ. "Trong cuộc thảo luận về tình hình Ukraine, chúng tôi nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đen và biển Azov, loại trừ mối đe đọa từ thủy lôi gài trong vùng biển Ukraine", thông cáo của Điện Kremlin cho biết thêm.

20 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine vẫn đang mắc kẹt trong các hầm chứa do các cảng trên Biển Đen của nước này, đặc biệt là cảng Odessa, đang bị Nga phong tỏa. Liên Hợp Quốc từng cảnh báo tình trạng lượng ngũ cốc từ các cảng ở Ukraine không thể xuất khẩu có nguy cơ gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài tháng tới.

Nga và Ukraine hiện vẫn chiếm hơn 29% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, chủ yếu vận chuyển qua Biển Đen, và 80% lượng dầu hướng dương xuất khẩu trên khắp thế giới.

Cũng trong ngày 30/5, văn phòng Tổng thống Erdogan ra thông báo cho biết nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất một dự án tạo một tuyến đường biển an toàn để xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp từ Ukraine, sau cuộc điện đàm vởi Tổng thống Zelensky. Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng hoan nghênh, về mặt nguyên tắc, ý tưởng biến Istanbul thành trụ sở cho một "cơ chế quan sát" giữa Moscow, Kiev và Liên Hợp Quốc.

Việt Anh