Việc khuyến khích, hỗ trợ nâng cao NSCL góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, ưu tiên của tỉnh, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh

Mục tiêu nhằm đưa NSCL sản phẩm, hàng hóa trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Phú Thọ đề ra mục tiêu cụ thể hỗ trợ 100 - 150 doanh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 7%/năm...

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Nâng tầm giá trị nông sản, chinh phục thị trường khó tính 

Hiện huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) có khoảng 2.700 ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.420 ha bưởi đặc sản. Xác định rõ giá trị của sản phẩm này trong thế mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh có thể chinh phục những thị trường khó tính như châu Âu hay châu Mỹ, cây bưởi đã được đưa vào chương trình nông nghiệp trọng điểm, áp dụng quy trình sản xuất an toàn nâng cao mẫu mã và chất lượng.

Để cây bưởi trở thành ngành hàng chủ lực, huyện Đoan Hùng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng chất lượng, giá trị cây trồng, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ hướng dẫn nông dân áp dụng KH&CN trong canh tác, mở rộng vùng trồng bưởi theo quy mô hàng hoá phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Đặc sản bưởi Đoan Hùng chinh phục thị trường Âu - Mỹ

Ngay trong đầu năm 2022, Phú Thọ đã xuất khẩu 36.000 quả bưởi Đoan Hùng đầu tiên, tương đương 40 tấn đi thị trường Nga. Tất cả các sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu đều được tuyển chọn theo tiêu chuẩn và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây được coi là một sự kiện quan trọng, mở ra giai đoạn mới, thị trường mới cho cây bưởi và người nông dân Đoan Hùng.

Cây bưởi chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về việc nâng cao NSCL trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới. Trước đó, trong giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai dự án nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ. Kết quả, đã có trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, HTX; trên 50 lượt doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện đăng ký, sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm; 16 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được đăng ký bảo hộ sở hữu và quản lý phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức để tạo lập 148 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Chương trình đã tạo động lực, khích lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu.

Thế Vinh