Giải bài toán ùn ứ nông sản mùa vụ tại 19 tỉnh, thành phía Nam

Chiều ngày 30/7, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Sở TT&TT 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách và 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post và Viettel Post, để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

{keywords}
Cuộc làm việc trực tuyến chiều ngày 30/7 còn có đại diện 2 đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại tham dự.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT giai đoạn chống dịch hiện nay là đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương đang giãn cách.

Ngày 21/7, Bộ TT&TT đã phê duyệt 2 kế hoạch “Bảo đảm cung cấp hàng  hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”, “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.

“Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành tạo điều kiện cho Vietnam Post, Viettel Post triển khai 2 kế hoạch tại địa phương và giao Sở TT&TT làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng 2 doanh nghiệp bưu chính thực hiện các kế hoạch”, Thứ trưởng cho biết.

Hiện Vietnam Post và Viettel Post đều đã có phương án, kịch bản chi tiết triển khai.

Tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách, nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương này đang ùn ứ rất nhiều.

Đại diện Sở TT&TT Kiên Giang cho biết, cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tỉnh cần tiêu thụ khoảng 244.000 tấn lúa, trên 15.000 tấn gừng, 2.500 tấn chuối và 500 tấn khoai lang.

Ngoài ra, Kiên Giang cũng cần sự hỗ trợ để đưa đi tiêu thụ hơn 6.000 tấn tôm sú, 4.000 tấn tôm thẻ, gần 4.000 tấn cua biển và 200 tấn cá bớp, cá mú tươi sống.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thanh Thủy, nhiều nông sản của tỉnh như khoai lang, nhãn, mít đang vào vụ thu hoạch. Chỉ riêng sản lượng nhãn đã khoảng 53.000 tấn. Trong khi dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Tháp cũng đang diễn biến phức tạp.

“Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các huyện sẽ giữ vùng xanh trên địa bàn quản lý. Do đó, xe của bưu chính cũng ít nhiều vướng ở cửa ngõ của một số huyện. Nắm được tình hình này, Sở TT&TT đã đề nghị các huyện tạo điều kiện cho doanh nghiệp bưu chính vận chuyển hàng hóa”, bà Thủy thông tin.

{keywords}
Nhân viên Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ nông dân đưa nhãn lên tiêu thụ trên sàn Postmart.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết thêm, hiện việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp bưu chính khá tốt. Chẳng hạn, tiêu thụ khoai lang qua sàn Vỏ Sò của Viettel Post đang ở mức 2 tấn/ngày. Tuy nhiên, về mặt hàng nhãn thì còn hạn chế do khó khăn trong khâu đóng gói, chưa thể đẩy mạnh tiêu thụ.

Khai thác kinh nghiệm của Bắc Giang để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa vùng dịch

Điểm lại cách thức triển khai, nhất là sự vào cuộc thần tốc của liên Bộ NN&PTNT, Công Thương và TT&TT trong chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang khi tỉnh này là “tâm dịch”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp cho rằng, các tỉnh phía Nam đang giãn cách có thể khai thác kinh nghiệm thành công của Bắc Giang để vừa tiêu thụ tốt nông sản, vừa phòng chống dịch bệnh.

{keywords}
Hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam đang được Vỏ Sò và Postmart triển khai.

Các bài học kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều gồm có: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại vùng sản xuất, tạo điều kiện – “luồng xanh” cho hoạt động thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh mở “luồng xanh” cho khâu lưu thông, logistics, tiêu thụ.

Cùng với việc chú trọng truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Bắc Giang cũng đã phát huy kênh tiêu thụ truyền thống, song song với khai thác hiệu quả kênh số là các sàn TMĐT. Đào tạo hướng dẫn kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn mở tài khoản bán hàng trên sàn TMĐT.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị các Sở TT&TT nghiên cứu kỹ và lên phương án cụ thể để triển khai 2 kế hoạch Bộ đã phê duyệt, theo đặc thù của tỉnh mình: “Trước mắt, Sở TT&TT tập trung cùng các sở, ngành khác và 2 doanh nghiệp bưu chính rà soát sản lượng của từng sản phẩm nông sản và khả năng hỗ trợ tiêu thụ của 2 sàn”.

Yêu cầu các Sở TT&TT coi hỗ trợ tiêu thụ nông sản là việc của mình, Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Ngoài ra, Sở TT&TT còn là đầu mối tiếp nhận các thông tin về tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân để chuyển Bộ TT&TT chủ trì, triển khai chiến dịch truyền thông qua các kênh: Tin nhắn, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, báo chí…

Vân Anh - Duy Vũ

Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT

Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT

VietnamPost và Viettel Post, 2 doanh nghiệp sở hữu các sàn Postmart, Vỏ Sò được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.