Theo số liệu của Sở TT&TT Hà Nội, trong năm 2019, số lượng thuê bao điện thoại giảm cả cố định và di động (Ảnh minh họa: Internet)

Trong thông tin về kết quả hoạt động của các doanh nghiệp CNTT-TTT trên địa bàn thành phố năm 2019 được đưa ra hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Sở TT&TT Hà Nội, Sở này cho biết, doanh thu toàn lĩnh vực bưu chính, viễn thông ước đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Trên địa bàn Hà Nội có 39 doanh nghiệp đã được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đang hoạt động.

Số liệu thống kê ước tính hết năm 2019 về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố cho thấy, tổng số thuê bao điện thoại cố định là 472.215 thuê bao, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2018; số thuê bao điện thoại di động gồm cả trả trước và trả sau là 10,5 triệu thuê bao, giảm khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng số thuê bao truyền hình tại Hà Nội (gồm các thuê bao truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất và vệ tinh có thu phí; chưa bao gồm truyền hình số mặt đất thu xem các kênh quảng bá, miễn phí) là 2,3 triệu thuê bao, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, thuê bao Internet, bao gồm thuê bao Internet băng rộng, thuê bao truy nhập Internet qua mạng di động 3G, 4G và thuê bao truy nhập Internet qua truyền hình cáp, là khoảng 10,5 triệu thuê bao, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, Sở TT&TT Hà Nội cho hay, trong năm qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như MobiFone, VNPT Hà Nội, Viettel, CMC, FPT và Công ty Đô thị Hà Nội đã tiếp tục tham gia đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành theo quy hoạch và cam kết giữa các doanh nghiệp với UBND Thành phố.

Theo thống kê, tính đến nay, đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 110/253 tuyến phố trên địa bàn thành phố và thanh thải, cắt hạ dây, cáp đi nổi trên 60 tuyến; đồng thời tổ chức tiếp nhận 173 công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật, với chiều dài trên 329 km giao doanh nghiệp quản lý, duy trì, khai thác đảm bảo công trình vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả.

Bên cạnh đó, năm 2019, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã phối hợp triển khai thử nghiệm mạng 5G trên địa bàn Hà Nội và tại khu vực dự án trường đua xe F1, quận Nam Từ Liêm theo chỉ đạo của UBND Thành phố và giấy phép thử nghiệm của Bộ TT&TT.

Cụ thể, theo Sở TT&TT Hà Nội, đến nay Viettel đã triển khai giai đoạn 1 thử nghiệm 10 trạm trên địa bàn quận Ba Đình và 15 trạm tại khu vực trường đua xe F1, quận Nam Từ Liêm. VinaPhone triển khai thử nghiệm 2 trạm tại Hoàn Kiếm và Nam Từ Liêm. MobiFone đang triển khai lắp đặt thiết bị 5G thử nghiệm tại trụ sở Tổng công ty này.

Các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở TT&TT rà soát hiện trạng các trạm BTS đang hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo kết quả triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp theo quy định.

Theo thống kê, tổng số lượng trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn Hà Nội tính đến cuối năm ngoái là gần 10.000 trạm, gồm 8.974 trạm BTS và hơn 1.000 trạm IBS – trạm phủ sóng trong các tòa nhà cao tầng.

Với các doanh nghiệp CNTT, theo báo cáo ICT Index 2019, thành phố Hà Nội có trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT với tổng doanh thu đạt khoảng 259.362 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Hà Nội đã thu hút được 105 dự án lĩnh vực công nghiệp ICT với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 25,7 triệu USD, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đăng ký đầu tư cao nhất tương ứng với 36% và 34% vào thành phố Hà Nội.