“Mình đã tìm được chỗ giao hàng để thầy gửi bùa xuống, phục vụ cho các video tâm linh”, chủ kênh Roma Vlogs nói với người theo dõi livestream trên YouTube cách đây một ngày, đề cập việc giãn cách nên các loại hàng hoá tâm linh không được vận chuyển.

Livestream được đặt tên “Sự thật về vong nhi trở về”, giải đáp cho người xem những thắc mắc về video trước đó kênh này quay cảnh bắt được một hồn ma em bé.

Trong video trước đó có tên “Gặp vong nhi khi mở con mắt âm dương”, chủ kênh này cho biết quay hình ở một căn chùa bỏ hoang. Trong video đen trắng được cho là quay bằng camera hồng ngoại, có cảnh một bóng trắng trong suốt nho nhỏ xuất hiện. 

{keywords}
Một cảnh video cho rằng có "vong nhi" khi quay bằng camera hồng ngoại trên kênh Roma Vlogs. (Ảnh chụp màn hình)

YouTuber trò chuyện với chiếc bóng: “Con ơi sao con ngồi ở đây?... Rồi giờ sao con?”. Người này nói chuyện với thái độ run rẩy, lo lắng để gia tăng sự hồi hộp cho video, và đi tìm một chiếc hồ lô để “bắt” thứ mà anh gọi là vong nhi.

Video được quay dưới dạng vlog, người thanh niên vừa tự quay vừa trò chuyện với người xem. “Ngoài vong linh được nuôi thì còn nhiều ma quỷ trú ngụ ở đây mọi người ạ”, người này nói chuyện với khán giả, ám chỉ có nhiều hồn ma ở chùa hoang.

Kênh YouTube nói trên có khoảng mấy chục video được quay từ cách đây 2 năm. Trên tiêu đề luôn có chữ “phim ma”, gần đây tựa đề được ghi bằng tiếng Anh, có chữ “movie ghost” - một cách để lách kiểm duyệt trên YouTube. Tuy vậy, trong video không bao giờ đề cập về các cảnh quay là hư cấu, mà được xây dựng dưới dạng vlog với bối cảnh thực tế.

Trong nhiều video khác, thanh niên người miền Tây quay thấy cảnh có ma dưới hiên nhà mình, có cảnh “thầy phù thuỷ” đuổi theo anh ta về đến nhà, camera ghi được bóng trắng nhờ nhờ ngoài cổng,... Rất nhiều video quay cảnh anh này lên đồng, bắt ma, trò chuyện với quỷ,...

Trong livestream cách đây vài ngày, có người hỏi tại sao lại bắt giữ cái gọi là vong nhi nên để cho hồn siêu thoát. Chủ kênh cho rằng anh ta “nuôi” vong để gia tăng linh khí, đấu lại với một ông thầy có phép thuật ở chùa hoang. “Nuôi vong” giúp cho hồn ma cùng với anh ta làm việc tốt, dễ “siêu thoát”. “Mình có hỏi ý bé rồi”, người này nói trên livestream trả lời trực tiếp khán giả.

Dù các video được đặt tên là “phim ma” như một kiểu hư cấu nhưng thanh niên này mang các câu chuyện trên vlog ra đời thực, trò chuyện cùng khán giả, xem câu chuyện ma quỷ trên vlog là thật.

“Có thể nói mình là YouTuber đầu tiên tại Việt Nam xuất hồn”, anh nói. Và than phiền rằng mỗi ý tưởng mới trong vlog của mình đều có người sao chép lại sau đó để quay.

Trong livestream, người này trả lời khán giả về “vong linh”, về trừ ma, về những vấn đề siêu thoát hay giải đáp sự tò mò như “có sờ được ma hay không”.

Trong khi livesream, khung hình luôn hiển thị số tài khoản ngân hàng, tài khoản Paypal và ví điện tử của người này để khán giả ủng hộ kênh. Người thanh niên thi thoảng cảm ơn một người tham gia vào kênh dạng trả phí. 

Khi có người hỏi: “Làm sao để biết có ma theo mình?”, thanh niên nói rất dễ và nói nếu livestream được số lượng like trên 5 ngàn, và được “ủng hộ” sẽ làm video hướng dẫn các bước, chỉ cần đốt nến, thắp nhang, cộng một câu bùa chú đơn giản.

“Để mình xem video hướng dẫn có phù hợp quy định của YouTube hay không. Để xem các bạn có ủng hộ mình đáng để mình thử hay không…”, người này nói. Sau đó, hứa nếu video có 5 ngàn like và “ủng hộ” thì sẽ quay video hướng dẫn đăng trên nhóm Facebook.

Trong nhóm kín trên mạng xã hội, kênh này thường thông báo video mới sắp phát hành trên YouTube, đôi lúc sẽ phát trước cho các thành viên trong lúc chờ YouTube kiểm duyệt video.

Nhóm kín hơn 10 ngàn thành viên nói trên thường xuyên bàn luận về các video và xin hướng dẫn bùa ngải, lời khấn,... mang tính mê tín dị đoan. Đây cũng là nơi kênh này đăng lại một số đoạn bị các mạng xã hội lược bỏ vì có cảnh quay vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Chẳng hạn, một cảnh quay “bắt ma”, thanh niên “nhốt” một hình thù mờ mờ vào một chiếc hộp, lắc qua lắc lại như bị vật bị nhốt tác động, rồi đóng nắp hộp lại. Cảnh đó khi đăng Facebook đã bị mạng xã hội này gỡ xuống.

Bình luận trong các video trên YouTube, rất nhiều người khẳng định nhìn thấy ma ở góc này góc kia của cảnh quay, miêu tả hình thù của “ma”... Nhiều người ca ngợi thanh niên quay video đang làm việc tốt vì giúp các “hồn ma” siêu thoát.

{keywords}
Những bình luận nặng tính dị đoan trên các clip "bắt ma". (Ảnh chụp màn hình)

Thế nhưng, cũng với video này khi được các trang khác đăng lại trên Facebook, có đối tượng người xem nhiều thành phần hơn, thì xuất hiện rất nhiều bình luận “bóc phốt”.

Chẳng hạn, “ủa ma sao lại có bóng in trên tường?”, “ma sao phải mở cửa?”, “trình độ ghép yếu quá”,...

Thực tế, trong các video trên YouTube, người quay đã lợi dụng video trắng đen để ghép các hình ảnh mở ảo vào nhưng vẫn được rất nhiều người tin tưởng, bình luận nặng yếu tố mê tín dị đoan. Trong nhóm kín cũng có không ít người hùa theo niềm tin không cơ sở này. Trong khi đó, các clip này khi đăng trên trang nhiều thành phần người xem hơn thì một bộ phận vẫn nhận ra cảnh quay ghép khá thô sơ.

Hồng Dung

Dùng ảnh khiêu dâm để câu view trên YouTube

Dùng ảnh khiêu dâm để câu view trên YouTube

Một số video trên YouTube dùng ảnh sex để thu hút lượt xem, trong khi nội dung trong video không liên quan.