Tuyển sinh đại học 2019: Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển gần 6.700 chỉ tiêu | Đại học Bách khoa Hà Nội mở 2 chương trình tiên tiến mới lĩnh vực ICT từ năm 2019 | 2 chương trình mới lĩnh vực ICT của ĐH Bách khoa Hà Nội dạy gì, làm ở đâu? |

Cả 2 chương trình tiên tiến mới - Hệ thống nhúng thông minh và IoT, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội đều có chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2019 là 40 sinh viên (Ảnh minh họa: hust.edu.vn)..

Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 đã được ĐH Bách khoa Hà Nội công bố, năm nay nhà trường dự kiến tuyển 6.680 chỉ tiêu. Đồng thời, trường triển khai 7 chương trình mới, gồm 5 chương trình tiên tiến, 1 chương trình đào tạo chuẩn ngành Công nghệ Giáo dục và 1 chương trình hợp tác đào tạo quốc tế.

Đáng chú ý, trong 5 chương trình tiên tiến mới được Đại học Bách khoa Hà Nội mở mới trong năm nay, có 2 chương trình thuộc lĩnh vực ICT là Hệ thống nhúng thông minh và IoT; Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Cả 2 chương trình mới này đều thuộc nhóm ngành “Kỹ thuật Điện, Điện tử, CNTT, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin” - một trong những nhóm ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp hạng 401-550 thế giới và số 1 Việt Nam theo QS World University Ranking by Subject năm 2019.

Cũng như các ngành và chương trình đào tạo khác thuộc nhóm ngành “Kỹ thuật Điện, Điện tử, CNTT, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin”, với 2 chương trình tiên tiến Hệ thống nhúng thông minh và IoT (mã xét tuyển ET-E9); Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), trường xét tuyển thí sinh dựa trên thí sinh đăng ký xét tuyển trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 với 1 trong 2 tổ hợp môn: A00 (Toán-Lý-Hóa), A01 (Toán-Lý-Anh), trong đó Toán là môn chính, nhân hệ số 2. Cả 2 chương trình này đều có chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2019 là 40 sinh viên.

Cũng theo thông tin từ ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế, 100% môn học được dạy bằng Tiếng Anh, với thời lượng thực hành và thực tập tại doanh nghiệp lớn nhằm đào tạo ra các nhà khoa học dữ liệu chất lượng cao, sẵn sàng cho đòi hỏi nhân lực của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên Thế giới.

Chương trình có mục đích đào tạo các chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS & AI scientist). Chương trình được thiết kế hiện đại, do các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực DS & AI của Việt Nam và trên thế giới thiết kế. Với định hướng đào tạo chuyên gia, sinh viên tham gia chương trình được trang bị đầy đủ kiến thức hàn lâm, song song với việc được chú trọng gia tăng thời lượng thực hành, cũng như học thông qua trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, cũng như tại các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ICT trong và ngoài nước.

Cụ thể, về phương thức đào tạo, được thiết kế theo chuẩn quốc tế với thời gian thực hành tại phòng lab tương đương thời gian học lý thuyết, chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo sẽ trang bị cho các sinh viên những kiến thức cơ bản với định hướng khoa học dữ liệu như: toán, xác suất-thống kê, trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu, khai phá dữ liệu, xử lý/biểu diễn dữ liệu lớn, blockchain, các kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành, cũng như các môn học liên quan đến kỹ năng đổi mới sáng tạo, và khởi nghiệp… Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp CNTT từ năm thứ 3; được làm nghiên cứu liên tục với giảng viên từ năm thứ 4 và chuẩn ngoại ngữ sau khi ra trường là 650 TOEIC.

Chương trình có tổng thời gian đào tạo là 5 năm. Sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEIC, TOEFL) được xét miễn học tiếng Anh năm thứ nhất, do đó có thể hoàn thành chương trình học trong 4 năm. Sinh viên có thể được tham gia vào các chương trình chuyển tiếp 4+1+1 với Đại học Uppsala (Thụy Điển), lấy bằng Thạc sỹ Khoa học Dữ liệu. Sinh viên có nhiều cơ hội học tập tiếp ở bậc cao học, tiến sỹ tại các nước phát triển như Phần Lan, Nhật Bản, Đức, Úc, Mỹ…

Về cơ hội việc làm, theo đánh giá của nhà trường, do nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó vấn đề “thông minh hóa” các hệ thống truyền thống đóng vai trò sống còn, nên chuyên gia khoa học dữ liệu đang là ngành nghề “hot” nhất trên thế giới, với mức lương vượt trội các ngành khác trong lĩnh vực CNTT.

Các sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội có thể làm việc tại các bộ phân phân tích dữ liệu, điều tra, khảo sát và dự báo tại các tổ chức ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh thế, tại các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, các hãng bảo hiểm, các hãng tư vấn…; tại các bộ phận phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, xử lý/phân tích/biểu diễn dữ liệu lớn tại các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước…; khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu, và trí tuệ nhân tạo phục vụ đời sống.

Với chương trình Hệ thống nhúng thông minh và IoT, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay cùng với xu thế dịch chuyển sang nền kinh tế số, thị trường nhân lực Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế điện tử nói chung, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực hệ thống nhúng và IoT nói riêng. Chương trình Hệ thống nhúng thông minh và IoT được thiết kế để đáp ứng nhu cầu trên. Cử nhân/thạc sỹ sau khi tốt nghiệp sẽ được định hướng để làm việc tại Nhật Bản hoặc các Công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Chương trình có thời gian đào tạo 4 năm với trình độ Cử nhân và 1,5 năm với Thạc sĩ. Sau khi học Cử nhân, sinh viên có thể học Cao học 1 năm tại Việt Nam và 1 năm tại Nhật bản. Sinh viên sẽ phải học tăng cường tiếng Nhật trong 7 học kỳ.

Các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo tiên tiến Hệ thống nhúng thông minh và IoT của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành những kỹ sư nghiên cứu và phát triển phần cứng, hệ thống nhúng, các hệ thống IoT; kỹ sư vận hành hệ thống điện tử, hệ thống điện tử công nghiệp; hay chuyên gia tư vấn giải pháp, bán hàng các sản phẩm điện tử và viễn thông.