Quan điểm trên vừa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chia sẻ trong phát biểu tại phiên toàn thể của hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.

Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự kiện hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức, với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA cho biết, mới đây VNISA đã thực hiện khảo sát 135 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thông tin. 

Kết quả khảo sát đã nêu ra một số vấn đề lớn cần được quan tâm và khắc phục thời gian tới, đó là cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống - dịch vụ, bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại.

Đại diện Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao Bằng khen của Bộ trưởng cho VNISA.

Khảo sát cũng cho thấy, có 87% tổ chức, doanh nghiệp lo sợ yếu tố “Con người”, 58% đơn vị lo ngại về “Công nghệ” và 47% lo ngại về lỗ hổng trong “Quy trình”. Cùng với đó, 68% tổ chức, doanh nghiệp cho biết chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin hàng năm. “Cũng vì thế, năm nay chúng tôi chọn chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn” cho hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam hôm nay”, ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong rằng qua hội thảo, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm nhận thức để tự tin chuyển đổi số.

Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chương trình lớn, dài hạn của quốc gia. Chuyển đổi số là đưa các hoạt động của mọi người lên môi trường số. Đồng nghĩa với việc chúng ta phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình và 100 triệu người dân.

Nhận định khối lượng công việc trên là rất lớn mà không một lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết được, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, việc bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức và cả người dân với nguyên tắc “thực sao ảo vậy”.

Tức là, cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng. Bên cạnh 3 lực lượng nòng cốt là Quốc phòng, Công an và TT&TT, chúng ta còn có sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và cả người dân.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa, trong 11 tháng đầu năm 2022, Cục đã hướng dẫn xử lý hơn 11.200 sự cố tấn công mạng.

Tại sự kiện, cùng với việc cập nhật thông tin về tình hình an toàn thông tin mạng năm 2022, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. 

Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ các hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ mới đạt 54,8%.

Vì thế, theo ông Khoa, một nhiệm vụ trọng tâm của Cục An toàn thông tin trong năm tới là xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, đã diễn ra lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng giữa 10 đơn vị gồm Cục An toàn thông tin, VNISA, Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, Cốc Cốc, Tiktok Việt Nam.