Thêm 3 dịch vụ mới trên Cổng DVCQG

Cùng với việc khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ đã công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

{keywords}
Trong khuôn khổ sự kiện công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVCQG, người dân tại các điểm cầu ở Hà Nội, TP.HCM đã trải nghiệm sử dụng các dịch vụ công mới.

Ba dịch vụ công trực tuyến thứ 998, 999 và 1.000 vừa được tích hợp, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVCQG lần lượt là: Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM).

Trong đó, dịch vụ thứ 998 - Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng.

Hiện nay, các đơn vị sử dụng lao động hàng tháng đều thực hiện việc này bằng hình thức thủ công. Do đó, dịch vụ công thiết yếu này được thực hiện trực tuyến ngoài thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục. Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với Bảo hiểm xã hội thì số tiền tiết kiệm được của toàn xã hội hàng năm sẽ khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm.

Với dịch vụ thứ 999 - Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất). Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan bảo đảm việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan.

Dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 800.000 đơn vị sử dụng lao động. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công mỗi năm, theo đó chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu khoảng hơn 344 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, với dịch vụ thứ 1.000 – Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3, theo Văn phòng Chính phủ, thời gian đầu dịch vụ được thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM.

Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát giao thông, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng.

Tiết kiệm mỗi năm 6.722 tỷ đồng

Cổng DVCQG được khai trương vào tháng 12/2019 tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. Đây là đầu mối kết nối các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

{keywords}
Hiện tại, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (Ảnh minh họa)

Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Trong phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới Cổng DVCQG hoàn thành việc tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu như: xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, viện phí, học phí...

Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và hoàn thành mục tiêu là cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

“Khối lượng dịch vụ công trực tuyến còn rất lớn, việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Trách nhiệm đó không chỉ ở Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT mà cả ở các bộ, địa phương cùng các cơ quan, tổ chức khác”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 19/8/2020, Cổng DVCQG đã có 227.000 tài khoản đăng ký; gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; có 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng, hơn 281.000 hồ sơ trực tuyến.

Tính trung bình một ngày làm việc, Cổng DVCQG tiếp nhận khoảng trên 4.000 hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận xử lý hơn 23.000 cuộc gọi đến tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống thanh toán trực tuyến dù mới được đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán. Trong đó, số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.

 Vân Anh

Từ 1/7, xử phạt vi phạm giao thông phải nhập bằng phần mềm

Từ 1/7, xử phạt vi phạm giao thông phải nhập bằng phần mềm

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, từ hôm nay (1/7), các quyết định xử phạt vi phạm giao thông phải nhập vào phần mềm và người dân có thể ngồi nhà nộp phạt vi phạm này.