Nhận định nêu trên được ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Trần Quý Tường đưa ra tại phiên đối thoại về giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các cơ quan, tổ chức, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/5 vừa qua.

“Doanh nghiệp công nghệ Việt đủ năng lực để giải hầu hết các bài toán ngành y tế”

Phiên đối thoại về giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các cơ quan, tổ chức, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Ông Tường chia sẻ, Bộ Y tế mới đây đã tổ chức cuộc thi Y tế thông minh với mục tiêu đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong y tế. Qua cuộc thi, có thể thấy Việt Nam hiện nay đã có những doanh nghiệp công nghệ rất vững mạnh, đủ năng lực, đủ trí tuệ và đủ nguồn lực để giải các bài toán về y tế, về ứng dụng CNTT trong bệnh viện. “Tôi cho rằng về cơ bản tất cả các bài toán y tế không cần doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp công nghệ trong nước hoàn toàn có thể giải quyết được”, ông Tường nói.

Mặc dù khẳng định các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã làm tốt phần lớn các bài toán về quản lý, ứng dụng của ngành y tế, song người đứng đầu Cục CNTT Bộ Y tế cũng cho biết hiện tại vẫn còn một số nội dung về ứng dụng CNTT của ngành y tế chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và cũng vì thế mà chưa có nhiều sản phẩm, giải pháp, đó là: bệnh án điện tử, phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế.

“Doanh nghiệp công nghệ Việt đủ năng lực để giải hầu hết các bài toán ngành y tế”

Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Trần Quý Tường khẳng định các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã làm tốt phần lớn các bài toán về quản lý, ứng dụng của ngành y tế (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, thông tin về thực trạng ứng dụng CNTT của ngành y tế, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Trần Quý Tường cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng các đề án, kế hoạch để đảm bảo ngành y tế Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đến nay, ngành y tế cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong công tác ứng dụng CNTT.

Cụ thể, Bộ Y tế đã Tăng cường công tác quản lý nhà nước về CNTT y tế, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý CNTT y tế. Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT trong y tế, tiêu biểu là Thông tư 54 về tiêu chí phần mềm bệnh viện và Thông tư 46 về hồ sơ bệnh án điện tử. “Chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng Bộ Y tế hiện đã cơ bản hình thành hành lang pháp lý, đủ cơ sở pháp lý để số hóa toàn bộ các bệnh viện. Hiện tại, Bộ Y tế cũng là bộ đầu tiên định lượng được tiêu chí “thông minh”, thế nào là bệnh viện thông minh”, ông Tường tự hào.

Cùng với đó, Bộ Y tế còn đạt được nhiều thành tựu khác như: đã triển khai hệ thống V-Office, phần mềm thư điện tử Bộ Y tế kết nối với các bộ, ngành, địa phương; đã triển khai 37 dịch vụ công mức trực tuyến mức độ 3, 4. xây dựng xong phần mềm thống kê y tế điện tử, đã triển khai thí điểm 14 tỉnh và năm nay sẽ triển khai rộng ra cả nước; xây dựng xong Hồ sơ sức khỏe điện tử, dự kiến sẽ triển khai toàn quốc từ giữa năm 2019.

Đặc biệt, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã ứng dụng CNTT ở các mức độ khác nhau. 99,5% các cơ sở y tế kết nối hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế. Phần mềm IBM Watson for Oncology hỗ trợ điều trị ung thư bằng trí tuệ nhân tạo đã được triển khai thí điểm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng trên toàn quốc; triển khai phần mềm quản lý, cung ứng thuốc tập trung tại Bộ Y tế từ năm ngoái; và hiện đã hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia giai đoạn 1.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục CNTT Bộ Y tế, những thành tựu của Bộ Y tế đạt được thời gian qua đã có sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ mạnh của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kể trên, ông Tường cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn ứng dụng CNTT y tế như: chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia y tế; hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử mặc dù đã triển khai nhưng việc sử dụng giấy tờ vẫn còn nhiều, chưa sử dụng chữ ký số; chưa có cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống 1 cửa điện tử; việc quản lý các trạm y tế xã cũng còn khó khăn do có quá nhiều phần mềm riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ các nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên; thiếu các hệ thống theo dõi, thu thập thông tin, phân tích dự báo dịch bệnh…

Cho biết ngành y tế đang xây dựng đề án y tế thông minh nhằm từng bước xây dựng các hệ thống phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, ông Trần Quý Tường cũng chia sẻ: “Chúng tôi mong sẽ được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ góp sức chung tay vào việc hiện đại hóa hệ thống y tế nước nhà, trong đó chú trọng trước hết vào các nhiệm vụ như triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng hệ thống cảnh báo theo dõi dịch bệnh; phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; phát triển bệnh án điện tử”.