Intel từng thống trị thị phần toàn cầu về vi xử lý máy tính cá nhân. Những năm gần đây, công ty đã mất vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip tiên tiến vào tay hãng đúc chip Đài Loan TSMC. Intel thừa nhận hầu hết năng lực chế tạo chip cao cấp đều tập trung tại hòn đảo châu Á, nhưng “công ty sẽ thay đổi điều đó”.

Gelsinger cho rằng “trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, chúng tôi đã cho phép ngành công nghiệp của mình chuyển dịch từ 80% ở Mỹ và châu Âu sang 80% ở châu Á” và đây là vấn đề “sẽ mất nhiều thập kỷ để khắc phục”.

Intel cam kết tiếp tục đầu tư đưa sản xuất bán dẫn về Mỹ. Ảnh: Reuters

Chính phủ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều nơi khác đã cam kết chi hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong biên giới của họ nhằm chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào sản xuất của Đài Loan.

Theo quan điểm của CEO này, Mỹ và châu Âu cần sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu quan trọng trong ngành công nghiệp. “Chúng ta cần một cuộc khủng hoảng toàn cầu để nhận ra rằng mình trở nên phụ thuộc sâu sắc vào một số mắt xích trong chuỗi cung ứng ở các khía cạnh quan trọng. Chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt là điều mà mọi người nên tập trung xây dựng”.

Người đứng đầu tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ cho rằng điều hành Intel lúc này như đang đạp chân gas và chân phanh cùng lúc trên một chiếc xe hơi, trong bối cảnh nhu cầu bán dẫn toàn cầu sụt giảm nhưng công ty vẫn chi hàng tỷ USD đầu tư vào các nhà máy bán dẫn.

Sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng chip gây ra bởi đại dịch Covid-19 và rủi ro địa chính trị gia tăng, là yếu tố thúc đẩy các công ty bán dẫn đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng nhà máy đúc chip trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cán cân cung cầu xảy ra tình trạng mất cân bằng do sự suy thoái của nền kinh tế nói chung, cũng như việc phát triển quá nóng trong thời kỳ đại dịch.

CEO Intel Pat Gelsinger cho hay, đại dịch Covid đã tạo ra sự gián đoạn to lớn, nhưng khi cả ngành bán dẫn “lao vào cuộc chiến để bắt kịp nhu cầu thị trường” thì đột nhiên “nền kinh tế lại thay đổi” theo cách không ai có thể dự báo. Người đứng đầu Intel tin rằng ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn “đi xuống” của chu kỳ cung-cầu.

 “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện những khoản đầu tư dài hạn đó”, Gelsinger giải thích về một số khoản đầu tư khổng lồ của Intel, nhưng cũng thừa nhận ngành công nghiệp cần “thực hiện một số cắt giảm trong thời gian ngắn” trước tình trạng nhu cầu yếu đi.

Thế Vinh (Theo NikkeiAsia)