Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01: 2019/VNISA  – Tiêu chuẩn kỹ thuật về giải pháp hóa đơn điện tử an toàn đã được VNISA xây dựng xong và chính thức ban hành (Ảnh minh họa: Internet)

Là một xu thế phát triển tất yếu, việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan thuế. Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Theo Nghị định 119 ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện trong vòng 24 tháng, từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020. Theo đó, nhóm doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 1/11/2018 vẫn tiếp tục dùng bình thường, không cần thay đổi; còn nhóm doanh nghiệp chưa sử dụng hóa đơn điện tử được phép dùng hóa đơn giấy đến hết ngày 31/10/2020 và bắt buộc phải chuyển sang dùng hóa đơn điện tử từ ngày 1/11/2020.

Đại diện VNISA cho biết, việc Hiệp hội này xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và tổ chức đánh giá, chứng nhận giải pháp hóa đơn điện tử an toàn nhằm mục đích giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình. Người dùng sẽ có căn cứ để nhận định, lựa chọn sử dụng những giải pháp có uy tín, chất lượng đảm bảo ổn định, góp phần để hóa đơn điện tử có thể triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

“Hệ thống cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử là hệ thống rất quan trọng bởi đây là hệ thống quản lý dữ liệu hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp trong nhiều năm. Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn phải đảm bảo các tiêu chí về nghiệp vụ, tiêu chí về an toàn thông tin để hạn chế đến mức cao nhất các rủi ro liên quan tới dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp”, đại diện VNISA nhấn mạnh.

Trong thông tin mới chia sẻ, VNISA cho hay, “TCCS 01: 2019/VNISA”, tiêu chuẩn kỹ thuật về giải pháp hóa đơn điện tử an toàn đã được Hiệp hội ban hành. Tiêu chuẩn này được VNISA giao cho tổ chức chuyên môn trực thuộc là Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) trực tiếp soạn thảo nội dung dự thảo.

Tiêu chuẩn “TCCS 01: 2019/VNISA” được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu “TCVN 11930 CNTT– Các kỹ thuật an toàn – Yêu cầu cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ” và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới phạm vi của tiêu chuẩn, Đây là tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của VNISA và thuộc một lĩnh vực đang được đẩy mạnh ứng dụng tại Việt Nam, liên quan đến chữ ký số và giao dịch điện tử.

Nội dung tiêu chuẩn “TCCS 01: 2019/VNISA” đưa ra các yêu cầu đối với: nghiệp vụ hóa đơn điện tử, an toàn thông tin máy chủ, an toàn phần mềm, ứng dụng, an toàn vật lý; yêu cầu đối với tổ chức cung cấp giải pháp và yêu cầu về nhân sự của đơn vị.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp là thành viên của VNISA đang cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có thể nộp hồ sơ đề nghị Hiệp hội đánh giá, chứng nhận chất lượng của giải pháp phù hợp với tiêu chuẩn “TCCS 01: 2019/VNISA”.

VNISA cũng khuyến khích, khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên thị trường nên áp dụng tiêu chuẩn cơ sở này cho giải pháp của mình. Tiêu chuẩn kỹ thuật về giải pháp hóa đơn điện tử an toàn - “TCCS 01: 2019/VNISA” được VNISA công bố công khai để các tổ chức có thể tự áp dụng. Các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm có thể xem toàn văn tiêu chuẩn tại đây.